Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có dễ dẫn đến chiến tranh?

Hiện Mỹ cung cấp vũ khí cho một đối thủ âm mưu chuẩn bị cho chiến tranh; trên thực tế, 92% công ty Trung Quốc tài trợ cho hiện đại hóa AI của PLA không thuộc chịu sự kiểm soát xuất khẩu hiện có.
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có dễ dẫn đến chiến tranh? ảnh 1(Nguồn: AFP/Getty Images)

Theo trang nationalinterest.org, trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, tư bản Pháp đã tài trợ cho ngành công nghiệp Đức đóng tàu cho Nga, khởi động một chu kỳ thỏa hiệp có phụ thuộc mà kết thúc là chiến tranh tổng lực hoặc cách mạng và vỡ nợ.

Hiện nay, chu kỳ này đã quay trở lại. Trong những năm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nga là chiến trường chính cho cuộc chiến tài chính giữa Pháp và Đức, hai cường quốc lớn nhất của lục địa châu Âu và là kẻ thù trong quá khứ và cả các cuộc chiến tranh sau đó. Cuộc chiến tài chính này diễn ra ở thị trường Moskva và St. Petersburg.

Tháng 9/1908, các nhà hoạch định chính sách của Pháp đã phủ quyết nỗ lực của Chính phủ Nga trong việc thuê các nhà thiết kế người Đức đóng một thiết giáp hạm mới sau khi biết Moskva đã ký hợp đồng với công ty đóng tàu Blohm & Voss của Đức.

Các quan chức Pháp đã rất tức giận. Pháp là nhà cung cấp tài chính lớn nhất ở Nga và Paris không muốn tiền của Pháp hỗ trợ ngành công nghiệp của Đức. Do đó, các quan chức Pháp đã chuyển sang chiến tranh tài chính.

Năm sau, họ tiến hành các cuộc đàm phán về các khoảng cho vay lớn với điều kiến Nga sử dụng một công ty không phải của Đức. Moskva không thể từ chối những yêu cầu này khi các khoản vay của Pháp lúc đó đang hỗ trợ nền kinh tế Nga.

Vào thời điểm đó, các nhà tài chính Pháp nắm giữ 12 tỷ Franc trong khoản nợ chính phủ và chứng khoán công của Nga, trong khi Paris nắm giữ con số khổng lồ 43% nợ công. Các tổ chức được tài trợ bởi vốn của Pháp chiếm hơn 60% sản lượng kim loại và năng lượng chiến lược của Nga.

Trong khi đó, ngành công nghiệp Đức là điểm đến chính cho chi tiêu của Nga và do đó cũng là điểm cuối cho dòng vốn của Pháp. Nga đã chi mạnh tay vào thị trường vũ khí Đức, dành hàng chục nghìn Mark Đức mỗi năm cho tập đoàn vũ khí Krupp có trụ sở tại Essen.

Ngoài ra, ban lãnh đạo người Đức còn đứng đầu các doanh nghiệp Nga được Pháp tài trợ vốn hoàn toàn như Putilov Works ở St.Petersburg. Sự phức tạp của các dòng vốn này đã dẫn đến một số kết quả gây khó chịu cho cả hai cường quốc. Pháp đã tài trợ vốn cho Nga mua vũ khí của Đức. Krupp, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất châu Âu vào đầu thế kỷ XX đã nhận được các hợp đồng từ Nga để đóng và xuất xưởng một tàu tuần dương và 3 tàu ngầm cho Hải quân Đế quốc Nga vào năm 1904.

[Kỳ vọng gì từ quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc trong tương lai?]

Một nhà quan sát trước Chiến tranh thế giới thứ nhất đã nói một cách ngắn gọn: “Những người sử dụng nguồn vốn của Pháp ở Nga là… các doanh nhân Đức.” Đầu tư vòng tròn tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn. Không ngạc nhiên khi thỏa thuận này không kết thúc tốt đẹp đối với cả Pháp và Đức.

Một thập kỷ sau, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, chiếc tàu tuần dương của Nga do Krupp chế tạo đã đánh đuổi hải quân Đức trên khắp Đông Nam Á. Trong khi đó, sau khi những người Bolshevik lật đổ Sa hoàng Nga sau 3 năm nội chiến, ban lãnh đạo cộng sản mới của Moskva đã không thể trả cho Pháp khoản nợ 9 tỷ Ruble - một cú sốc quá lớn đối với nền kinh tế Pháp, đến mức Paris đã từ một chủ nợ ròng trở thành một con nợ ròng chỉ sau một đêm.

Sự sụp đổ bất ngờ trong các mối quan hệ liên quan dòng vốn phức tạp này cho thấy những nguy cơ của sự phụ thuộc lẫn nhau bằng vũ khí hóa. Cuối cùng, những gì từng được coi là sự chèn ép kinh tế đã nhường chỗ cho thảm họa kinh tế.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, những dòng vốn này dẫn đến một trong hai kết quả: giúp kẻ thù tiến hành chiến tranh tổng lực hoặc vỡ nợ hàng chục năm sau cuộc cách mạng. Bi kịch của sự cạnh tranh vốn tư bản giữa Pháp và Đức nên là một bài học về tính khả thi của vũ khí tài chính như một công cụ cưỡng chế trong điều kiện phụ thuộc lẫn nhau về tài chính.

Các nhà quan sát đã đúng khi quay trở lại bối cảnh trước Chiến tranh thế giới thứ nhất để hiểu được bản chất của sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong điều kiện phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và sự cạnh tranh về vốn.

Thời đại đó, giống như hiện nay, chứng kiến các cuộc chiến thương mại chồng chéo, chiến tranh công nghệ, chiến tranh giành ảnh hưởng và cạnh tranh vốn, được châm ngòi bởi sự xuất hiện của một cường quốc đang lên có ý định thay đổi hiện trạng và nắm giữ những đặc quyền về sức mạnh kinh tế và quân sự.

Các khoản đầu tư theo hình thức này làm xói mòn khả năng gây chiến của mỗi cường quốc. Trong điều kiện phụ thuộc lẫn nhau về tài chính trước chiến tranh, những hành động thỏa hiệp nhằm phục vụ lẫn nhau này đã không được chú ý cho đến khi chúng bộc lộ rõ.

Mặc dù Nga cuối cùng không sử dụng các thiết kế của Đức để đóng tàu vào năm 1908, họ đã mua một thiết giáp hạm trực tiếp từ nhà máy đóng tàu ở Kiel, miền Bắc nước Đức, vào năm 1904.

Ngày nay, Mỹ cũng cung cấp vũ khí cho một đối thủ âm mưu chuẩn bị cho chiến tranh. Trên thực tế, 92% các công ty Trung Quốc tài trợ cho việc hiện đại hóa trí tuệ nhân tạo của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) không thuộc phạm vi chịu sự kiểm soát xuất khẩu hiện có.

Henry Kissinger đã đổ lỗi cho một “cỗ máy ngoại giao ngày tận thế” - mạng lưới đan xen giữa các liên minh trước chiến tranh - khích động cuộc chiến tranh năm 1914. Những hành vi tài chính sai trái của Pháp và Đức ở Nga cho thấy một mối nguy hiểm khác: một “cỗ máy ngày tận thế” tài chính tạo ra các biện pháp cưỡng chế không hiệu quả./.  

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục