TTXVN tại Hong Kong, TTXVN tại Paris và Đài RFI, hãng Sputnik đưa tin: Theo báo Liên hợp buổi sáng, dư luận phổ biến cho rằng hội nghị thượng đỉnh dưới hình thức trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt được đột phá quan trọng. Tuy nhiên, cuộc gặp đã nỗ lực nhất có thể về cấp độ chính trị. Hai bên đồng ý tiếp tục hội đàm, không để cho những tranh cãi khác khiến cho quan hệ Mỹ-Trung xấu đi.
Những tín hiệu tích cực
Sáng 16/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng kéo dài trong nhiều vấn đề song phương và quốc tế. Chiều 16/11, Thời báo Hoàn Cầu đã đăng bài bình luận về vấn đề này, trong đó cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã phát đi tín hiệu tích cực và vấn đề then chốt là thực hiện tinh thần đồng thuận.
Báo Le Monde đánh giá cuộc trao đổi từ xa giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có mục tiêu “tổ chức lại” các mâu thuẫn giữa hai cường quốc. Tổ chức các quy tắc cạnh tranh giữa hai nước và tránh một cuộc đối đầu công khai vốn không có lợi cho ai chính là mục đích của cuộc đối thoại trực tuyến kéo dài gần ba tiếng rưỡi này.
Sau khi nhanh chóng kêu gọi "tôn trọng lẫn nhau", nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện mong muốn có sự "trao đổi và hợp tác" nhiều hơn nữa giữa hai cường quốc. Ông Tập Cận Bình so sánh hai quốc gia với những con tàu khổng lồ, ngoài biển khơi, đập tan những con sóng và tìm cách giữ đúng hướng đi và tốc độ. Trong phát biểu của Tổng thống Mỹ, ông Biden đã trích dẫn biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề chính mà hai cường quốc có thể làm việc cùng nhau.
Le Monde nhận định rằng, trong câu chuyện chính trị mà ông Joe Biden đang cố gắng xây dựng xung quanh nhiệm kỳ tổng thống của mình, Trung Quốc chiếm một vị trí rất lớn. Tổng thống Mỹ muốn tiến hành hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của đất nước với những trang bị tốt hơn nhằm cạnh tranh sòng phẳng với Bắc Kinh.
Đầu tuần này, ông đã ký một đạo luật đầu tư 1.200 tỷ USD, tại một buổi lễ tràn ngập không khí lạc quan, vui vẻ trong khu vườn của Nhà Trắng, khiến dư luận trong nước tạm quên đi những khó khăn hiện tại: Đó là sự chia rẽ trong đảng Dân chủ, lạm phát rất cao... Ngoài ra, ông Joe Biden cũng đang phải vật lộn để vượt qua những chia rẽ trong xã hội Mỹ, sửa chữa một mô hình dân chủ, và vị thế của Mỹ đang bị đe dọa.
Theo báo Le Monde, phía Mỹ cho rằng đã đến lúc phải áp đặt “một kiểu luật giao thông” nào đó theo khái niệm mà ông Joe Biden đã nêu ra vào tối 15/11. Điều này sẽ không làm thay đổi các tính toán địa chính trị của Mỹ, trong đó có chiến lược tăng cường các liên minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là trong khuôn khổ câu lạc bộ không chính thức là Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), hoặc quan hệ đối tác AUKUS (gồm Mỹ, Anh và Australia) mới thiết lập giữa tháng Chín.
Nhưng Trung Quốc, bây giờ đã “giàu có,” cũng muốn trở thành quốc gia “hùng mạnh.” Đây là thông điệp chính được phát đi trong tuần trước bởi Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mở đường cho Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ mới vào năm 2022. Trung Quốc muốn được tôn trọng trên tất cả các lĩnh vực, cho dù mang tính biểu tượng.
Hãng tin Bloomberg cho rằng, mặc dù Mỹ và Trung Quốc đối đầu gay gắt về vấn đề liên quan đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả tinh thần cơ bản của cuộc gặp thượng đỉnh vẫn là tôn trọng và thẳng thắn. Trung Quốc cũng mô tả cuộc hội đàm là “tích cực,” đồng thời khẳng định sự kiện thúc đẩy sự “hiểu biết lẫn nhau.” Về tổng thể, so với vài tháng trước, cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình đưa quan hệ Mỹ-Trung vào một điểm tựa ổn định hơn.
Theo Susan Shirk, học giả tại Đại học California, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung có thể thúc đẩy hai nước triển khai các cuộc hội đàm giữa những quan chức cấp thấp, thảo luận cách thức hợp tác về các vấn đề kinh tế và quốc tế. Bà Susan Shirk nhấn mạnh, Mỹ hiểu rõ chế độ trung ương tập quyền hiện hành của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình là lãnh đạo hạt nhân, lãnh đạo nhân dân. Do đó, có quan hệ tốt, kết nối giữa lãnh đạo và lãnh đạo là điều quan trọng nhất.
Daniel Russel, chuyên gia Viện nghiên cứu chính sách thuộc Hiệp hội châu Á của Mỹ bình luận cho rằng, không nên coi cuộc gặp giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình là cuộc gặp thượng đỉnh chỉ diễn ra một lần, mà nên coi là một phần trong chuỗi những cuộc hội đàm quan trọng có thể đưa hai nước vào thời kỳ quan hệ tương đối ổn định trong bối cảnh tiếp tục cạnh tranh gay gắt.
[Chuyên gia đánh giá điểm tích cực của cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung]
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông Daniel Russel từng đảm nhiệm vai trò trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Chuyên gia này phân tích thêm, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo chỉ là một bước để cải thiện quan hệ Mỹ-Trung, cuối cùng sẽ cần lãnh đạo hai nước tiến hành các cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn.
Dexter Roberts, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Sáng kiến an ninh châu Á thuộc Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ, nhấn mạnh rằng Trung Quốc vừa mới kết thúc Hội nghị Trung ương 6, ông Tập Cận Bình cũng đang chuẩn bị cho Đại hội 20 vào năm sau, và ông Joe Biden phải đối diện với cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ trong năm tới, do đó các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đều muốn tái khởi động đối thoại thông qua cuộc gặp thượng đỉnh lần này.
Dexter Roberts từng là một phóng viên cao cấp, thường trú tác nghiệp ở Trung Quốc hơn 20 năm. Đối với tranh chấp thương mại Mỹ-Trung được cả thế giới quan tâm, chuyên gia này cho rằng, Mỹ và Trung Quốc nên đạt được tiến triển từng bước về vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, xét về dài hạn, va chạm thương mại vẫn rất khó tránh được. Chuyên gia Dexter Roberts nhấn mạnh, từ trước đến nay, Trung Quốc luôn âm thầm theo đuổi chính sách công nghiệp trọng thương khi kết giao với thế giới, dự đoán sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai, và Mỹ cũng sẽ tiếp tục ngăn cản sự trỗi dậy của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc.
Không có đột phá quan trọng
Scott Kennedy, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, cho rằng cuộc gặp giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình dường như đã thẳng thắn trao đổi ý kiến tất cả vấn đề, nhưng không thông báo bất kỳ quyết định hoặc bước đi chính sách nào. Dường như hai bên đồng ý cần thiết lập một số hàng rào bảo vệ và đảm bảo ổn định để phát triển quan hệ hai nước, nhưng làm thế nào để thực hiện thì lại không có sự đồng thuận.
Theo Sputnik, những mâu thuẫn và cách nhìn nhận vấn đề khác biệt được thể hiện qua nội dung hai thông cáo chung do phía Trung Quốc và Mỹ công bố sau cuộc họp. Phiên bản Mỹ ngắn hơn nhiều, tập trung vào các vấn đề nhân quyền, duy trì một hệ thống thương mại quốc tế công bằng, cởi mở và tự do và trật tự quốc tế nói chung.
Thông cáo phía Trung Quốc tập trung vào việc không nên chính trị hóa nền kinh tế và thương mại, về nhu cầu hợp tác trong việc chống lại đại dịch, về tầm quan trọng của chính sách không liên kết với các khối chính trị, về việc ngăn chặn sự lây lan của tư tưởng Chiến tranh Lạnh, về tính linh hoạt của khái niệm xã hội dân chủ.
Hai bản thông cáo chung phản ánh sự khác biệt trong cách hiểu về những vấn đề giống nhau giữa hai quốc gia, cũng như trong cách tiếp cận giải quyết. Một nguyên nhân quan trọng khiến cả hai bên lo ngại là vấn đề đối đầu công nghệ và thuế quan áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Chính quyền Mỹ hiện tại hiểu rằng thuế quan không chỉ và thậm chí không hạn chế quá nhiều hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, mà còn làm tăng chi phí của các nhà nhập khẩu Mỹ và kết quả là tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng Mỹ.
Theo ông Igor Denisov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế MGIMO thuộc Bộ Ngoại giao Nga, các bước thực tế đầu tiên để bình thường hóa quan hệ song phương có thể được thực hiện chính trong lĩnh vực thương mại và công nghệ.
Ông Igor Denisov cho biết: “Trên thực tế, hai bên, chủ yếu là Mỹ, sẽ phải chứng minh mong muốn giảm leo thang trong lĩnh vực công nghệ. Việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cũng sẽ phụ thuộc vào các quyết định của phía Mỹ đối với các công ty công nghệ cao Trung Quốc. Mối quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ vẫn còn, nhưng trong những năm tới, cần tập trung vào nỗ lực quản lý các mâu thuẫn một cách có trách nhiệm, giảm thiểu rủi ro và tìm ra một chương trình nghị sự tích cực.”
Yang Danzhi - chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Quốc tế của Tổng cục Hành chính Công Trung Quốc - tin rằng quá trình bình thường hóa quan hệ sẽ bắt đầu chính từ những vấn đề dễ đạt được sự đồng thuận nhất. Tuy nhiên, về tổng thể, chuyên gia không mong đợi kết quả nhanh chóng. Vì theo ông, quá nhiều mâu thuẫn đã được tích tụ. Đối đầu với Trung Quốc là trọng tâm xuyên suốt toàn bộ chiến lược chính sách đối ngoại của Mỹ.
Chuyên gia Yang Danzhi nhận định: “Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nghiêm trọng kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống. Mỹ đang định vị mối quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ cạnh tranh chiến lược. Vì Mỹ thường coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược, nên khó có thể mong đợi một sự thay đổi chính sách triệt để. Chúng ta thấy rằng gần đây, Trung Quốc và Mỹ đã có thể đạt được hiểu biết nhất định về vấn đề khí hậu, nhưng vẫn chưa biết kết quả cụ thể sẽ như thế nào và liệu chúng có thể thành hiện thực hay không.”
Hãng tin CNN nhấn mạnh, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung là một cuộc “tranh luận thẳng thắn,” nhưng không có đột phá quan trọng. Tờ The New York Times cũng có quan điểm tương tự khi bình luận rằng, trong tuyên bố của các bên đưa ra sau khi kết thúc hội đàm đều nhấn mạnh những vấn đề tranh cãi quan trọng nhất, và những điều không hài lòng lẫn nhau này đã làm nổi bật mâu thuẫn sâu sắc giữa hai bên.
Dù vậy, hai nhà lãnh đạo đều thể hiện sẵn sàng dựa vào một phương thức tránh xảy ra xung đột giữa hai cường quốc trên thế giới để xử lý những khác biệt. Chỉ riêng điểm này đã có thể làm giảm khả năng xảy ra va chạm lớn giữa quan hệ hai nước trong năm nay./.