Khẩu trang giúp tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song lại đang đe dọa sự sống của động vật hoang dã, khi các loài chim và sinh vật biển bị "mắc kẹt" trong môi trường sống tràn ngập những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ.
Do tính chất của khẩu trang y tế là chỉ dùng một lần, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm triệu chiếc khẩu trang bị thải loại. Trong thời gian gần đây, người ta dễ dàng nhìn thấy những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần bị vứt bỏ rải rác trên những những vỉa hè, các kênh/lạch và bãi biển trên toàn thế giới kể từ khi các quốc gia bắt đầu kêu gọi người dân sử dụng khẩu trang tại những địa điểm công cộng nhằm khống chế đà lây lan của đại dịch COVID-19.
Khẩu trang y tế được làm bằng các chất liệu vải không dệt và khá bền, vì vậy có thể mất hàng trăm năm để phân hủy. Bà Ashley Fruno thuộc Tổ chức Bảo vệ quyền động vật châu Á (PETA) nhấn mạnh: "Những chiếc khẩu trang sẽ không sớm biến mất - nhưng khi chúng ta vứt bỏ chúng, những vật dụng này có thể gây hại môi trường và các loài động vật cùng chung sống với chúng ta trên hành tinh này."
[IEA: Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2021]
Có thể nhận thấy hiểm họa môi trường từ những chiếc khẩu trang dùng một lần trong cuộc sống hoang dã ở nhiều nơi trên thế giới. Trên những ngọn đồi bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, người ta đã phát hiện những con khỉ đuôi ngắn đang nhai dây đeo của những chiếc khẩu trang, điều này có nguy cơ khiến những con khỉ con bị ngạt thở. Tại thành phố Chelmsford của Anh, một con chim mòng biển bị vướng chân vào dây đeo của khẩu trang dùng một lần và một tuần sau đó mới được giải cứu.
Tác động lớn nhất của rác thải khẩu trang có lẽ là ở môi trường dưới nước, khi các tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo "làn sóng" rác thải khẩu trang, găng tay cao su và đồ bảo hộ khác đang "mon men tìm đường" vào những bãi biển và con sông vốn đã ô nhiễm. Theo nhóm môi trường OceansAsia, cuối năm ngoái, ước tính hơn 1,5 tỷ chiếc khẩu trang đã đổ vào các đại dương trên thế giới, chiếm khoảng 6.200 tấn ô nhiễm rác thải trên biển.
Điều này rất nguy hiểm đối với các loài sinh vật biển như cá heo, rùa biển...vì chúng có thể nuốt phải khẩu trang vì ngỡ là thức ăn. Khẩu trang sẽ làm tắc đường hô hấp hoặc tiêu hóa và làm chúng chết vì ngạt thở hoặc đói.
Trên thực tế, các nhà bảo tồn ở Brazil đã tìm thấy một chiếc khẩu trang trong dạ dày của một con chim cánh cụt sau khi xác của nó trôi dạt vào một bãi biển. Tương tự, người ta cũng phát hiện một chiếc khẩu trang trong bụng một con cá nóc chết ở ngoài khơi bờ biển Miami. Các nhà hoạt động người Pháp cũng đã phát hiện một con cua chết do bị mắc kẹt trong một chiếc khẩu trang trong một đầm phá nước mặn gần Địa Trung Hải hồi tháng 9 năm ngoái.
Ông George Leonard, nhà khoa học thuộc tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy có trụ sở tại Mỹ, cho biết khi rác thải nhựa phân hủy trong môi trường sẽ hình thành các hạt nhỏ li ti. Những hạt nhỏ này sau đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và tác động đến toàn bộ hệ sinh thái.
Mặc dù giờ đây người dân đã có xu hướng sử dụng khẩu trang vải có thể tái sử dụng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, song vẫn còn không ít người chọn sử dụng khẩu trang dùng một lần. Các nhà vận động đã kêu gọi mọi người vứt những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng đúng nơi quy định, cũng như cắt dây đeo khẩu trang để tránh gây tổn hại các loài động vật.
Nhóm OceansAsia cũng kêu gọi chính phủ các nước tăng tiền phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi và khuyến khích sử dụng những loại khẩu trang có thể giặt sạch để tái sử dụng./.