Sudan kêu gọi Nam Sudan kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp Abyei

Sudan nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác giữa hai nước láng giềng để xây dựng lòng tin và trao đổi quan điểm về biện pháp thiết lập cơ sở vững chắc dành cho giải pháp cuối cùng đối với vấn đề Abyei.
Sudan kêu gọi Nam Sudan kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp Abyei ảnh 1Binh sỹ Ethiopia trong Phái bộ an ninh lâm thời của LHQ tại Abyei (UNISFA) tuần tra tại Abyei, Sudan. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Chính quyền Sudan ngày 9/4 đã kêu gọi Nam Sudan kích hoạt các cơ chế chung giữa hai nước để đạt được mục tiêu hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới Abyei đang tranh chấp.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Giám sát chung Abyei (AJOC) của Sudan và Nam Sudan được tổ chức ở thủ đô Khartoum (Sudan), ông Mohamed Hamdan Dagalo - Phó Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền Chuyển tiếp Sudan - đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục điều phối và hợp tác giữa hai nước láng giềng để xây dựng lòng tin và trao đổi quan điểm về biện pháp thiết lập cơ sở vững chắc dành cho giải pháp cuối cùng đối với vấn đề Abyei.

Ông Dagalo bày tỏ: “Bất chấp những điều kiện nguy cấp mà Sudan đang phải trải qua, quyết định triệu tập cuộc họp này là ưu tiên hàng đầu do tính nhạy cảm của vấn đề khu vực và sự đau khổ của nhân dân trong khu vực... Các cơ chế chung phải được kích hoạt cùng với nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi để góp phần tăng cường an ninh, phát triển và ổn định vì lợi ích của các cộng đồng trong khu vực.”

Quan chức Sudan cũng hối thúc cộng đồng quốc tế hợp tác nhiều hơn nữa và đóng vai trò vượt ra ngoài phạm vi viện trợ nhân đạo nhằm triển khai các dự án phát triển trong khu vực.

Hiện nay, Sudan và Nam Sudan đang tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Abyei giàu tài nguyên dầu mỏ ở biên giới chung giữa hai nước. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cản trở tiến trình giải quyết bất đồng giữa Khartoum và Juba.

Năm 2011, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thành lập Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (UNISFA).

Tháng 9/2012, Sudan và Nam Sudan đã ký hiệp định hợp tác toàn diện tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi.

Hiệp định này bao gồm một gói các thỏa thuận liên quan đến an ninh, tình trạng công dân, biên giới và các vấn đề kinh tế cùng những chủ đề khác liên quan đến dầu mỏ và thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục