Tác động của việc Mỹ-Hàn xóa bỏ giới hạn tầm bắn tên lửa đạn đạo

Việc Mỹ-Hàn xóa bỏ giới hạn tầm bắn tên lửa đạn đạo có thể được coi là nhằm tăng năng lực răn đe của Hàn Quốc nhưng cũng có khả năng khiến các quốc gia khác phản ứng, đặc biệt là Trung Quốc.
Tác động của việc Mỹ-Hàn xóa bỏ giới hạn tầm bắn tên lửa đạn đạo ảnh 1Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ở bờ biển phía Đông Hàn Quốc hồi năm 2017. Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Với việc loại bỏ giới hạn tầm bắn trong chương trình tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc, mục tiêu lâu dài của nước này là đạt được “chủ quyền tên lửa” có thể trở thành hiện thực. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì đối với sự cân bằng chiến lược trong khu vực?

Chuyên gia nghiên cứu về quốc phòng và quân sự Timothy Wright thuộc Viện nghiên cứu quốc tế về các vấn đề chiến lược (IISS) đã có bài viết nhận định về vấn đề này. Dưới đây là nội dung bài viết.

Hàn Quốc và Mỹ đã đồng ý chấm dứt những hạn chế đã tồn tại 40 năm nay đối với tầm bắn tối đa của tên lửa đạn đạo của Seoul. “Hướng dẫn năm 1979” giữa hai nước đã cho phép Hàn Quốc tiếp cận với công nghệ liên quan đến tên lửa của Mỹ, nhưng có giới hạn về tầm bắn và trọng lượng đầu đạn của tên lửa đạn đạo của Seoul.

Tuy nhiên, việc phát triển hơn nữa năng lực tên lửa đạn đạo luôn là mục tiêu lâu dài của các chính phủ tại Hàn Quốc và bản thân việc mở rộng năng lực về tên lửa là một phần của mục tiêu rộng lớn hơn nhằm đạt được năng lực “tự cung, tự cấp” như đã nêu trong Sách trắng Quốc phòng năm 2020 của nước này.

Giới hạn phạm vi tầm bắn tên lửa đã được điều chỉnh nhiều lần kể từ khi con số ban đầu - 180km tầm xa và 500kg trọng lượng đầu đạn - được thống nhất vào năm 1979, nhưng động thái mới nhất đã loại bỏ hoàn toàn giới hạn tầm bắn tối đa 800km. Việc loại bỏ các “hướng dẫn” này có nghĩa là Seoul được tự do phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc cận trung.

Điều này có thể được coi là nhằm tăng cường năng lực răn đe thông thường của Hàn Quốc, nhưng cũng có khả năng khiến các quốc gia khác trong khu vực phản ứng, đặc biệt là Bắc Kinh.

Sự phát triển của Triều Tiên

Các “hướng dẫn” về tên lửa giữa Mỹ và Hàn Quốc ban đầu không chỉ yêu cầu Seoul không được phát triển tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 180km, mà còn áp đặt giới hạn trọng lượng đầu đạn tối đa là 500kg.

Từ các công nghệ sẵn có liên quan đến tên lửa của Washington, chẳng hạn như MIM-14 Nike Hercules, Hàn Quốc đã tận dụng để thiết kế và đã phát triển thành công tên lửa nội địa đầu tiên của mình, NHK-1.

[Hàn Quốc lên kế hoạch phát triển phương tiện phóng tên lửa]

Kể từ khi được ký kết, biên bản ghi nhớ này đã được sửa đổi 4 lần, vào các năm 2001, 2012, 2017 và 2020. Các thay đổi chủ yếu được thực hiện để đáp ứng sự phát triển của chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như yêu cầu của Hàn Quốc sau các cuộc giao tranh giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Mặc dù việc chấm dứt các hạn chế đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông qua trong một tuyên bố chung sau chuyến thăm của ông Moon Jae-in tới Washington hồi cuối tháng 5 vừa qua, nhưng không giải thích lý do dẫn tới quyết định này. Tuy nhiên, việc các lực lượng tên lửa của Triều Tiên liên tục được cải tiến về chất lượng và số lượng vẫn được cho là nguyên nhân chủ yếu.

Seoul và Washington đã theo dõi tiến trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng với mối quan tâm ngày càng tăng kể từ năm 2017, khi Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên, Hwasong-14. Đồng thời, Bình Nhưỡng dường như đã có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Trong giai đoạn tiếp theo, Triều Tiên đã cải tiến nhiều hơn nữa chương trình tên lửa đạn đạo của mình trên tất cả các phạm vi, và được Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đánh giá là đã tăng kho dự trữ hạt nhân lên khoảng 60 đầu đạn.

Bình Nhưỡng cũng đã nêu rõ tham vọng phát triển các công nghệ hạt nhân và tên lửa mới, bao gồm vũ khí hạt nhân phi chiến lược, ICBM sử dụng nhiên liệu rắn có tầm bắn xa hơn và có thể là cả “đầu đạn siêu thanh." Tuy nhiên, mức độ mà Triều Tiên có thể thực hiện được một số tham vọng trên vẫn còn là một câu hỏi.

Phản ứng của Hàn Quốc

Để đối phó với kho vũ khí tên lửa ngày càng tăng của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc đã phát triển cái gọi là bộ khả năng “K-3” để có thể có nhiều phương án tấn công trong trường hợp xảy ra xung đột.

Điều này bao gồm việc phát triển và triển khai tên lửa hành trình tấn công mục tiêu trên đất liền (LACM) và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Một số tên lửa LACM, chẳng hạn như Haeseong III, có tầm bắn vượt xa giới hạn của hướng dẫn về tên lửa đạn đạo vừa được dỡ bỏ gần đây.

Còn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, chẳng hạn như các biến thể Hyunmoo-2, đã được đưa vào sử dụng và Hàn Quốc cũng đang phát triển các hệ thống mới, chẳng hạn như Hyunmoo-4, để sử dụng tấn công các mục tiêu kiên cố.

Trước đây, Hàn Quốc đã có thể nhanh chóng tăng tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm ngắn sau khi nới lỏng hướng dẫn tên lửa, bằng cách giảm trọng lượng đầu đạn. Do đó, những sửa đổi tương tự để giảm trọng lượng đầu đạn 2.000kg của tên lửa Hyunmoo-4 có thể giúp Hàn Quốc cải thiện tầm bắn, từ cực Nam của nước này vươn tới tận cực Bắc của Bán đảo Triều Tiên.

Điều này sẽ cho phép các lực lượng vũ trang của Hàn Quốc các khả năng bố trí căn cứ ở khu vực nằm ngoài tầm với của tên lửa đạn đạo tầm gần của Triều Tiên. Việc dỡ bỏ các hạn chế về tầm bắn cũng có thể tạo điều kiện cho Seoul quan tâm đến việc phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và điều này sẽ giúp hải quân Hàn Quốc có thể tạo ra một “cú đấm” mạnh hơn so với hiện nay. Tàu ngầm là mục tiêu khó phát hiện và khó phản công đối với bất kỳ đối thủ nào.

Tác động tiềm tàng

Triều Tiên đã phản ứng một cách hiếu chiến trước việc Hàn Quốc và Mỹ nhất trí dỡ bỏ các hạn chế, giống như trước đây khi hai nước nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, chưa rõ các nước láng giềng khác của Hàn Quốc sẽ phản ứng như thế nào.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 24/5, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã ghi nhận “nội dung có liên quan trong tuyên bố chung của Mỹ và Hàn Quốc và lo ngại về điều đó.”

Mặc dù phần lớn phản ứng của Bắc Kinh tập trung vào cam kết của Tổng thống Biden và Tổng thống Moon Jae-in về việc “duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan,” song các chuyên gia nhận thấy rằng việc mở rộng tầm bắn các tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc có thể khiến Trung Quốc lo ngại trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn trong trường hợp quan hệ giữa hai quốc gia trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù Bắc Kinh và Seoul hiện có mối quan hệ tương đối tốt đẹp, nhưng cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2022 có thể tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách bảo thủ tương lai trong Đảng Quyền lực Nhân dân thay đổi điều được cho là “sự lệch pha” giữa chính sách đối ngoại của chính phủ đảng Dân chủ Hàn Quốc hiện nay và dư luận ngày càng thù địch của Hàn Quốc đối với Trung Quốc.

Ngoài ra, mặc dù Hàn Quốc và Nhật Bản được liên kết bởi các liên minh song phương riêng biệt của họ với Mỹ và mối đe dọa chung của Triều Tiên, song việc dỡ bỏ các hạn chế về tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc có thể làm suy yếu thêm mối quan hệ ngày càng khó khăn giữa Seoul và Tokyo, do giới chính trị Nhật Bản càng ngày càng lo ngại rằng năng lực tên lửa được cải thiện của Hàn Quốc có thể đe dọa Nhật Bản chứ không chỉ Triều Tiên.

Việc đạt được “chủ quyền tên lửa” là mục tiêu lâu dài của Tổng thống Moon Jae-in và các chính phủ trước đây của Hàn Quốc. Giờ đây, các hạn chế về tầm bắn tên lửa đạn đạo đã được dỡ bỏ, Hàn Quốc có sẵn các lựa chọn mới để phát triển các khả năng thông thường lớn hơn.

Mặc dù điều này có thể mở rộng các lựa chọn về phát triển lực lượng của Hàn Quốc để đối phó với Triều Tiên, nhưng nó cũng có thể gây ra mối quan ngại lớn hơn đối với khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục