Tác giả Rừng Na Uy đề cập tới tranh chấp biển đảo

Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami cảnh báo rằng các chính trị gia đang chuốc cho người dân "ly rượu rẻ tiền" của chủ nghĩa dân tộc.
Haruki Murakami, một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của thế giới, đã bị cuốn vào cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khi cảnh báo về sự nguy hiểm của việc các chính trị gia đang chuốc cho người dân những "ly rượu rẻ tiền" của chủ nghĩa dân tộc. Tác giả cuốn "Rừng Na Uy" nói rằng chỉ thông qua việc giữ cho cái đầu lạnh, người ta mới giải quyết được căng thẳng. Trong một bài viết đăng trên tờ Asahi Shimbun, Murakami nói rằng tranh chấp lãnh thổ tồn tại vì một hệ thống đã phân chia nhân loại thành nhiều nước, với các đường biên giới quốc gia. "Khi vấn đề lãnh thổ không còn là vấn đề mang tính thực tiễn mà đã đi vào thế giới của 'tình cảm dân tộc chủ nghĩa', nó sẽ tạo ra một tình thế nguy hiểm không có lối thoát. Nó giống như một chai rượu rẻ tiền vậy. Rượu rẻ tiền sẽ khiến anh say chỉ sau vài ly và làm anh trở nên kích động. Nó khiến anh nói to hơn, hành động thô lỗ hơn... Nhưng sau khi say xỉn, anh sẽ chẳng thu được gì ngoại trừ cảm giác đau đầu kinh khủng. Chúng ta phải thận trọng với các chính trị gia và các nhân vật thích gây bút chiến, đang chuốc chúng ta uống những ly rượu rẻ tiền và làm thổi bùng lên cảm giác giận dữ của người say" - ông viết. Việc tranh giành chủ quyền liên quan tới quần đảo Sensaku do Tokyo kiểm soát mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư đã khiến quan hệ Trung - Nhật dậy sóng trong hàng thập kỷ. Căng thẳng tăng cao vào đầu năm nay, khi Thị trưởng Tokyo, người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa nói rằng ông muốn mua và phát triển quần đảo. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi chính quyền Nhật tiến hành mua lại một số đảo tranh chấp thuộc quần đảo, trong một động thái Tokyo nói rằng mang động cơ thuần túy liên quan tới việc quản lý, nhưng Bắc Kinh đã xem đó là hành động gây hấn khó tha thứ. Tình trạng lời qua tiếng lại giữa 2 chính phu đã kéo dài tới ngày 28/9, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì chỉ trích Nhật Bản tại Liên hợp quốc. "Động thái do Nhật Bản thực hiện là trái phép và không hợp lệ" - ông nói - "Họ không thể nào thay đổi lịch sử rằng Nhật Bản đã đánh cắp Điếu Ngư và các đảo liên quan từ Trung Quốc và sự thật rằng Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ liên quan tới quần đảo". Murakami, người có các tác phẩm bán chạy và được ca ngợi trên thế giới, đã không ngại tham gia vào các cuộc tranh cãi. Khi nhận giải Jerusalem 2009, giải thưởng văn học cao quý nhất của Israel trao cho một nhà văn nước ngoài, ông đã chỉ trích cuộc xung đột Trung Đông khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Tác giả Rừng Na Uy đề cập tới tranh chấp biển đảo ảnh 1
Nhà văn Haruka Murakami không ngần ngại tham gia vào các cuộc tranh cãi liên quan tới chính trị (Nguồn: AFP)
"Nếu có một bức tường cao, rắn chắc và một quả trứng chuẩn bị lao vào bức tường ấy, không cần biết quả trứng đúng sai ra sao, tôi sẽ đứng về phía nó" - ông nói trong lễ trao giải ở Jerusalem. Các tác phẩm của ông, gồm những tựa sách như "Kafka trên bờ biển" và "Biên niên ký chim vặn dây cót", đã được dịch ra gần 40 ngôn ngữ và ông có rất nhiều người hâm mộ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam... Ông đã được trao tặng Huy chương Nghệ thuật và Văn học Tây Ban Nha 2010 và giải thưởng văn học cao quý nhất của Cộng hòa Séc là Franz Kafka hồi năm 2006./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục