Tái cơ cấu, đổi mới toàn diện ngành đường sắt

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, quan trọng nhất trong thực hiện tái cơ cấu ngành đường sắt là sắp xếp lại khối sản xuất kinh doanh vận tải.

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn chế, chất lượng nhân lực chưa được cải thiện thì việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, nâng cao sản lượng và doanh thu là nhiệm vụ hàng đầu của ngành đường sắt hiện nay.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, quan trọng nhất trong thực hiện tái cơ cấu ngành đường sắt là sắp xếp lại khối sản xuất kinh doanh vận tải và sửa đổi hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ liên quan.

- Xin Thứ trưởng cho biết Đề án Tái cơ cấu Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012-2015 tập trung vào những vấn đề gì?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Theo chỉ đạo chung, đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là phải đổi mới toàn diện trong ngành đường sắt, trước hết là từ khâu sắp xếp lại các đầu mối hướng tới thị trường, hướng tới xã hội hóa trong một số lĩnh vực của đường sắt.

Thứ hai là nâng cao chất lượng dịch vụ của vận tải và đảm bảo an toàn, hiệu quả và sự hài lòng cho khách hàng.

Ngành tập trung sắp xếp lại các đơn vị đã hoạt động ổn định để tiến hành cổ phần hóa trong năm 2014 và 2015, đồng thời thoái vốn ở các doanh nghiệp mà đường sắt đã tham gia trước kia nhưng không đúng với ngành nghề hoặc hoạt động kém hiệu quả.

- Vậy phương án sắp xếp các đầu mối vận tải trong ngành đường sắt như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Đầu tiên, phải xem xét sắp xếp ở các đơn vị vận tải. Hiện có ba công ty lớn là vận tải hành khách phía Bắc, vận tải hành khách phía Nam và vận tải hàng hóa. Khi sắp xếp lại có thể tập trung thành hai đầu mối là vận tải cả hành khách và hàng hóa ở phía Bắc và phía Nam.

Thứ hai, cần tập trung rà soát các doanh nghiệp quản lý và bảo trì cũng như hệ thống thông tin tín hiệu của đường sắt để hợp lý nhất trong vấn đề quản lý, hướng tới kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư và khai thác các tuyến đường sắt thí điểm, kết hợp giữa nhà nước và tư nhân.

Ví dụ như có thể kêu gọi nguồn vốn từ khối tư nhân đầu tư khai thác các ga, liên kết trong vấn đề vận tải, thêm các toa hàng kết nối vận tải, tăng cường năng lực và hiệu quả vận tải.

Để tái cơ cấu ngành đường sắt cũng đòi hỏi cải thiện cả hệ thống cơ sở hạ tầng. Bộ Giao thông Vận tải đang trình Chính phủ về Chiến lược Phát triển ngành đường sắt từ nay đến năm 2020 và định hướng tới năm 2050; trong đó có tính tới các phương án với cả đường sắt hiện hữu cũng như các tuyến đường sắt xây dựng mới trong tương lai như tuyến đường sắt Bắc-Nam; các tuyến hành lang chính như Yên Viên-Lào Cai; Hà Nội-Hải Phòng…

Theo phân cấp, đối với dự án nằm trong các dự án đô thị lớn chủ yếu như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì Bộ Giao thông Vận tải theo dõi chung về mặt quản lý nhà nước còn việc đầu tư do các thành phố thực hiện huy động nguồn lực đối với dự án nằm trong các địa bàn.

Bộ ban hành tiêu chuẩn định mức cũng như phối hợp với các thành phố triển khai các dự án. Trong quá trình thực hiên tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, như đường sắt nội đô Metro số 1, số 2 cũng như các tuyến vành đai, xuyên tâm của hai thành phố này.


- Với thời gian ngắn ngủi như vậy, theo Thứ trưởng liệu ngành đường sắt có thể thực sự có chuyển biến hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Phải khẳng định rằng, trong chương trình triển khai nhiệm vụ của ngành đường sắt mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có rất nhiều chỉ đạo đối với ngành, từ việc phục vụ bán vé, cải tạo các nhà ga, đến đẩy nhanh tiến độ các công trình cầu, đường sắt Bắc Nam.

Ví dụ lộ trình cải tạo bán vé sẽ phải hiện đại hóa thông tin, rút giảm đại lý cửa vé, tạo thuận tiện cho khách hàng, hành khách có thể liên vận kết nối với đường bộ.

Việc này Bộ Giao thông Vận tải cùng với ngành đường sắt cũng đã vạch ra lộ trình, không thể thực hiện một năm mà xong được mà phải nhiều năm và có thứ tự ưu tiên.

Đối với việc giá vé đường sắt cao so với các phương tiện khác cần phải rà soát lại giá thành từ đó mới xác định được đắt hay rẻ.

Có người nói đường sắt cũ quá, tốc độ chậm thì phải đẩy chi phí lên. Nhưng Bộ đang chỉ đạo phải rà lại kể cả đầu vào nhiên liệu sử dụng có hợp lý không hoặc nhân lực sử dụng nhiều quá không để so sánh với các phương thức vận tải khác. Vì đang cạnh tranh giữa các phương thức vận tải nếu không đủ sức cạnh tranh thì sẽ mất khách hàng, mất vận tải hàng hóa.

Thực tế, trong những năm vừa qua thì tỷ trọng vận tải của đường sắt càng ngày càng giảm trong khi các phương thức lại tăng lên như hàng không tăng trưởng rất nhanh 17-19%. Trong khi đường sắt đang giậm chân tại chỗ. Mục tiêu của Bộ là phải duy trì chứ không được giảm nữa.

Với những chỉ đạo quyết liệt từ Bộ như vậy, tôi cũng tin rằng ngành đường sắt sẽ có đổi mới chuyển biến trong năm 2014.

- Nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm đổi mới không chỉ với ngành đường sắt mà có cả trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Thứ trưởng đánh giá thế nào về chỉ đạo của Bộ với ngành đường sắt trong thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Không thể tách bạch giữa ngành đường sắt với Bộ Giao thông Vận tải được bởi trong năm phương thức vận tải vẫn phải đối xử như nhau về quản lý nhà nước, về chỉ đạo điều hành.

Đấy là trách nhiệm chung của cả Bộ. Tất nhiên, việc chưa đẩy mạnh đổi mới, sản lượng vận tải chưa tăng, chất lượng dịch vụ chưa tăng cũng có thể nói có phần trách nhiệm của Bộ trong giám sát, chỉ đạo và quản lý.

Hiện ngành đường sắt vẫn còn chưa tách bạch được giữa phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý kinh doanh vận tải, thời gian tới tôi cho rằng cần rà lại Luật Đường sắt hiện hữu, nếu thiếu các văn bản về hướng dẫn thực hiện luật thì phải bổ sung thêm.

Đây là yêu cầu chung, nếu có rồi thì phải triển khai các Nghị định, thông tư để hướng dẫn triển khai cụ thể việc tách bạch này và phải có lộ trình phù hợp.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục