Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang xây dựng đề án tái cơ cấu; trong đó tập trung vào tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư và vốn điều lệ để tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị, trong tháng 10 này, VEC phải hoàn thành Đề án tái cơ cấu để công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa toàn Tổng công ty hoàn thành trong năm 2015.
Xuất phát từ yêu cầu nội tại
Cách đây đúng 10 năm, ngày 6/10/2004, mô hình VEC ra đời theo chủ trương của Chính phủ để xây dựng một đơn vị nòng cốt tiếp nhận, huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc quốc gia.
Đây là điều kiện, cơ hội để VEC tiếp cận với các nguồn vốn kém ưu đãi hơn vốn ODA như vốn IBRD (Ngân hàng Tái thiết Phát triển Quốc tế) thuộc WB (Ngân hàng Thế giới), vốn OCR (Nguồn vốn thông thường) thuộc ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á)…
Hiện nay, VEC đang được giao làm chủ đầu tư 7 dự án đường cao tốc; trong đó 5 dự án đã và đang được thực hiện với tổng vốn đầu tư 125.572 tỷ đồng. Riêng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án là 71.555 tỷ đồng, chiếm 57%, còn lại là vay và huy động.
Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, từ năm 2012, VEC đã lập phương án tái cơ cấu mô hình tổ chức và nguồn vốn đầu tư trình Bộ Giao thông Vận tải.
Ngày 8/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2072/QĐ-TTg về tái cơ cấu nguồn vốn của 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư, bao gồm: cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành và Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Về mục tiêu khi thực hiện đề án tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức và hoạt động Tổng công ty, ông Mai Tuấn Anh, cho biết việc tái cơ cấu VEC sẽ nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của VEC để tương xứng với nguồn lực được giao.
Cùng với việc huy động được tối đa các nguồn vốn để đầu tư phát triển đường cao tốc, việc tái cơ cấu còn giúp VEC lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của đơn vị, phù hợp với xu thế thời đại.
Đây cũng là điều kiện đảm bảo cho VEC làm tốt vai trò nòng cốt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia, góp phần vào sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các vùng miền.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh tái cơ cấu mô hình tổ chức và hoạt động của VEC là nhu cầu khách quan, thực tiễn đòi hỏi và rất cần thiết để VEC phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tập trung vào nguồn vốn
Trong điều kiện kinh tế suy thoái nhưng thời gian qua, VEC đã huy động được một lượng vốn rất lớn để thực hiện đầu tư tại 5 dự án đường cao tốc. Đến nay, dự án Cầu Giẽ- Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai đã đưa vào khai thác.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây cũng đã đưa một số đoạn tuyến vào sử dụng trong năm 2014. Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Long Thành đang trong quá trình thi công.
Với tổng số 540km đường cao tốc hoàn thành trước và sau 2015, các tuyến đường này sẽ đóng góp chủ yếu cho mục tiêu hoàn thành 600 km đường cao tốc vào năm 2015 theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) nhận định tiến độ sắp xếp, tái cơ cấu của VEC thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Các phương án tái cơ cấu được đưa ra dựa trên điều kiện thực tế của đơn vị. Số tiền 125.000 tỷ đồng là nguồn vốn đầu tư rất lớn, vì vậy cổ phần hóa là con đường để VEC sử dụng và quản lý tốt nguồn vốn đó.
Góp ý vào Đề án tái cơ cấu của VEC, ông Trần Văn Lâm, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng đề án cần làm rõ hơn một số vấn đề như cơ hội, thách thức của VEC trong thời gian tới, ngành nghề kinh doanh nào được giữ lại, ngành nghề nào cần được tái cơ cấu. Ngoài ra, phương án cổ phần hóa và phân giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan cần cụ thể và chi tiết hơn.
Đối với phương án tài chính, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính đề nghị VEC làm rõ phần vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước, đồng thời nên tách từng dự án để tiến hành cổ phần hóa, tránh sự chồng chéo và dàn trải, không hiệu quả.
Có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Hợp tác công tư (PPP) - Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị VEC nên đi vào từng dự án, xem xét từng phương án tài chính để có sự cân đối tổng thể, từ đó đưa ra phương án cổ phần hóa phù hợp nhất.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, tái cơ cấu 5 dự án của VEC đang thực hiện mang tính cấp bách và cần phải làm ngay.
Tuy nhiên, cổ phần hóa theo hướng nào đòi hỏi VEC phải rà soát, đánh giá một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính hiệu quả và hấp dẫn của các nhà đầu tư, từ đó huy động được các nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển đường cao tốc và các dự án đầu tư khác.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu VEC rút kinh nghiệm qua từng dự án để giữ vai trò là một trong những đơn vị chủ lực trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc.
Để đảm bảo hoạt động tái cơ cấu theo đúng tiến độ, VEC thực hiện phương án cổ phần hóa Tổng công ty song song với cổ phần hóa từng dự án. VEC cũng cần làm rõ tỷ lệ số vốn của Nhà nước và của đơn vị để có phương án tài chính rõ ràng, đúng trình tự.
Đối với các dự án đang triển khai, VEC cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đảm bảo chất lượng công trình, an toàn giao thông và tránh gây thất thoát, lãng phí, Bộ trưởng đề nghị./.