Tam giác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đối phó với sự can dự của Mỹ ở Trung Đông

Ông Erdogan hy vọng rằng ông Putin, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, sẽ dễ chấp nhận các kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Iran Raisi cũng sẽ có thái độ tương tự.
Tam giác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đối phó với sự can dự của Mỹ ở Trung Đông ảnh 1Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (giữa) cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải). (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng news.cgtn.com đưa tin Trung Đông luôn là một điểm nóng về địa chính trị. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngay sau chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới khu vực vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại bay đến thủ đô của Iran vào ngày 19/7 để hội đàm với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Ba nhà lãnh đạo được cho là sẽ thảo luận về cuộc xung đột Syria, nhưng điều đó không có nghĩa là bộ ba sẽ không trao đổi về các chủ đề và diễn biến nóng khác trong khu vực, bao gồm cả tác động của nỗ lực tuyệt vọng của ông Biden để thiết lập lại ảnh hưởng đang suy giảm nhanh chóng của Mỹ ở Trung Đông thông qua các liên minh và đối tác mới.

"Chúng tôi sẽ không rời bỏ và để lại khoảng trống cho Trung Quốc, Nga hay Iran," ông Biden nói trong một bài phát biểu tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, trong đó đảm bảo với các nhà lãnh đạo Arab rằng Mỹ sẽ tiếp tục can dự toàn diện vào Trung Đông.

Ngay cả các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng có thể không thoải mái với lời khẳng định đó vì biết rõ rằng sự can dự quá mức của Washington ở Trung Đông gần như luôn dẫn đến thảm họa - ví dụ như tại Iraq, Libya, Syria, Yemen và Lãnh thổ Palestine.

Mâu thuẫn với Mỹ

Bắc Kinh, Moskva và Tehran đều bác bỏ những nhận xét mang tính kích động của ông Biden, trong đó Iran cáo buộc Tổng thống Mỹ đang kích động "căng thẳng và khủng hoảng" ở Trung Đông. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những mâu thuẫn của riêng họ đối với Mỹ.

[Mối quan hệ Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ: Sự trùng hợp về lợi ích]

Trong khi cuộc xung đột Ukraine đã khiến Mỹ và các đồng minh gần như phải đọ sức trực tiếp với Nga, Mỹ không còn che giấu sự thật rằng họ là một bên trong cuộc xung đột, ủng hộ chính phủ Ukraine một cách công khai bằng tiền và vũ khí trong khi tập hợp cùng với các đồng minh của mình để áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt chống lại Moskva.

Washington gần đây đã mâu thuẫn với Ankara, một đồng minh trong NATO, vì những lợi ích khác nhau ở Syria.

Các quan chức cấp cao của Mỹ đã công khai lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch nối lại các hoạt động quân sự ở miền Bắc Syria, đồng thời cảnh báo rằng hành động như vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và gây ra hậu quả tai hại cho lực lượng Mỹ trong khu vực trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Trong bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran càng có ý nghĩa quan trọng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà ba nước phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ: Iran và Nga ở mức độ lớn trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ở mức độ thấp hơn.

Trong những năm gần đây, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã gặp nhau để thảo luận về vấn đề Syria trong khuôn khổ "Tiến trình hòa bình Astana" nhằm chấm dứt hơn 11 năm xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Cả ba nước đều can dự vào các vấn đề của Syria, trong đó Nga và Iran ủng hộ chính phủ Bashar al-Assad ở Damascus, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một trong các phe nổi dậy.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là muốn thực hiện một "chiến dịch đặc biệt" ở miền Bắc Syria để đảm bảo lợi ích của họ, theo những cách tương tự như hành động của Nga ở Ukraine.

Trước đây, ông Erdogan đã thực hiện các cuộc tấn công quân sự nhắm vào các chiến binh người Kurd, những người mà Ankara mô tả là "những kẻ khủng bố," bao gồm các Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn.

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sự hiện diện mạnh mẽ của người Kurd dọc biên giới với Syria sẽ khuyến khích Đảng Công nhân Kurd bị cấm hoạt động, đây là lực lượng đã tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người.

Hợp tác bất chấp sự khác biệt

Ông Erdogan hy vọng rằng ông Putin, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, sẽ dễ chấp nhận các kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Iran Raisi cũng sẽ có thái độ tương tự.

Nga và Iran trước đó đã kêu gọi thận trọng và hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phát động một cuộc tấn công vào Syria.

Trong khi các phát biểu chính thức gần đây từ Tehran dường như có vẻ tích cực hơn trong việc thừa nhận những lo ngại về an ninh của Ankara, những phát biểu này sau đó đã sớm được rút lại, cho thấy rằng, vẫn còn những khác biệt.

Cuối tháng trước, Đại sứ Iran tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mohammad Farazmand, tuyên bố: "Chúng tôi hiểu rằng... có thể cần có một chiến dịch đặc biệt… Các mối lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ phải được giải quyết đầy đủ và vĩnh viễn."

Vài ngày sau đó, lãnh đạo của Farazmand, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian lại tuyên bố một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria "sẽ là một yếu tố gây bất ổn trong khu vực."

Ba nhà lãnh đạo sẽ hướng tới mục tiêu khắc phục chính những khác biệt này khi họ gặp nhau tại Tehran, đồng thời phối hợp quan điểm về Syria để không chỉ tránh căng thẳng mà còn đi đến đồng thuận vì an ninh lâu dài của khu vực.

Cuộc gặp cũng sẽ cho Putin, Erdogan và Raisi cơ hội đánh giá mối quan hệ của từng nước với Mỹ và tác nhân địa chính trị tác động đến quan hệ giữa Washington đối với từng quốc gia này và khu vực.

Cách xử sự ngạo mạn mà Mỹ áp dụng với bạn bè và kẻ thù thậm chí có thể đóng vai trò là chất xúc tác để ba nước, với những lợi ích lớn liên quan đến hòa bình và ổn định của Trung Đông, tăng cường hợp tác.

Việc các nước này đã thành công trong việc ngăn không cho Mỹ - một nhân tố quan trọng ở Syria và Trung Đông - tham gia các cuộc đối thoại này là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng và uy tín của Washington đang suy giảm nhanh chóng trong khu vực.

Đã từng có thời điểm, khó có thể hình dung, bất kỳ diễn đàn quan trọng nào cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông có thể diễn ra mà không có sự hiện diện của Mỹ, chủ yếu với tư cách là trọng tài hoặc hòa giải.

Nhưng thời thế đã thay đổi. Moskva, Ankara và Tehran đang hy vọng sẽ định hình được tương lai của Syria mà không cần sự can dự của Washington.

Trong bối cảnh này, thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh ba bên có sự tham gia của Putin, Erdogan và Raisi phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng các cường quốc khu vực không còn cần một quốc gia bá chủ toàn cầu để giải quyết các vấn đề khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục