Tạm giam đối tượng lừa đưa người sang Myanmar, ép lao động trái phép

Theo đơn tố giác, Diệp Văn Minh cùng một số đối tượng đưa người lao động vượt biên trái phép sang Myanmar và ép họ làm việc liên tục 12 tiếng một ngày; đánh đập, trích điện nếu không đạt chỉ tiêu.
Tạm giam đối tượng lừa đưa người sang Myanmar, ép lao động trái phép ảnh 1Đối tượng Diệp Văn Minh tại Cơ quan Công an. (Nguồn: Công an cung cấp)

Ngày 31/10/2023, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam bị can đối với Diệp Văn Minh (sinh năm 1989, trú tại thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” quy định tại Điều 349 Bộ luật hình sự.

Trước đó, ngày 09/10/2023, Công an huyện Lục Ngạn nhận được tố giác của ba công dân về việc Diệp Văn Minh cùng một số đối tượng khác có hành vi lừa đảo đưa các bị hại đi Thái Lan để lao động với mức lương cao, nhưng thực chất ép sang Myanmar để bóc lột sức lao động, ép lao động bất hợp pháp.

Qua điều tra xác định, các đối tượng sử dụng Zalo để liên lạc về Việt Nam giới thiệu việc làm tại Thái Lan, Myanmar được hưởng lương cao, công việc nhẹ nhàng, xuất cảnh hợp pháp và đã đưa được nhiều người sang lao động.

Tuy nhiên, các đối tượng chỉ sắp xếp cho người lao động xuất cảnh hợp pháp sang Thái Lan theo diện du lịch rồi đưa người lao động vượt biên trái phép sang Myanmar.

Tại Myanmar, người lao động được đưa đến một công ty do người nước ngoài làm chủ. Người lao động bị ép ký vào một bản hợp đồng không mô tả công việc phải làm.

Trong quá trình làm việc, người lao động bị ép sử dụng thiết bị của công ty nói chuyện điện thoại với người Việt Nam ở trong nước để lừa đảo.

Đặc biệt, người lao động bị ép làm việc liên tục 12 tiếng một ngày, mỗi ngày phải lừa đảo được từ 10 người trở lên.

[Tuyên án các đối tượng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài]

Nếu không đạt được chỉ tiêu, họ bị bắt đứng để làm việc, đánh đập, trích điện, nhốt vào phòng riêng không cho ăn uống.

Người lao động làm đủ thời gian ít nhất 6 tháng mới cho trở về Việt Nam, nhưng để được về phải nộp đủ 150 triệu đồng/người.

Sau đó, người lao động còn phải chi thêm hàng chục triệu đồng thuê người đưa từ Myanmar về Thái Lan rồi từ Thái Lan sang Lào hoặc Campuchia để về Việt Nam.

Các cơ quan chức năng đang phối hợp, điều tra làm rõ và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục