Tầm quan trọng của Mỹ trong việc hóa giải khúc mắc thương mại Hàn-Nhật

Tờ Thời báo Hàn Quốc mới đây đăng bài xã luận cho rằng Nhật Bản nên chấp nhận tham gia cuộc gặp ba bên Hàn-Mỹ-Nhật để giải quyết vấn đề thương mại hiện nay giữa Seoul và Tokyo.
Tầm quan trọng của Mỹ trong việc hóa giải khúc mắc thương mại Hàn-Nhật ảnh 1(Nguồn: AP)

Tờ Thời báo Hàn Quốc mới đây đăng bài xã luận cho rằng Nhật Bản nên chấp nhận tham gia cuộc gặp ba bên Hàn-Mỹ-Nhật để giải quyết vấn đề thương mại hiện nay giữa Seoul và Tokyo.

Sau đây là nội dung bài xã luận: Hàn Quốc đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề thương mại với Nhật Bản.

Theo Phó Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong, người đang gặp các quan chức thương mại và các nhà lập pháp Mỹ tại thủ đô Washington, trong đó có Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, chính quyền Mỹ đã đề nghị tổ chức một cuộc gặp ba bên với hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận về vấn đề thương mại Hàn-Nhật.

Nếu cuộc gặp ba bên được tiến hành, đây sẽ là điều đáng hoan nghênh. Trong bối cảnh việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc có thể gây tổn hại cho liên minh giữa Mỹ với hai nước này, chưa kể đến những tổn hại đối với nguồn cung các mặt hàng trên toàn cầu, Washington cần chủ động hòa giải mối quan hệ Hàn-Nhật trước khi quá muộn.

Việc tìm ra giải pháp có thể cực kỳ khó khăn vì đằng sau những cuộc cãi vã đang diễn ra giữa hai bên là những căng thẳng xuất phát từ những vấn đề trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc từ năm 1910 đến năm 1945.

[Quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản chờ đợi ''sự hòa hợp tốt đẹp'']

Hàn Quốc hiểu rằng những mâu thuẫn mang tính lịch sử không bao giờ kết thúc giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể gây thất vọng cho Mỹ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nguyên nhân sâu xa là sự thiếu ăn năn của Nhật Bản về những hành động sai trái trong quá khứ và sự thiếu suy xét tâm lý người Hàn Quốc.

Và tất cả đều biết rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người chỉ đạo việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc vì ông muốn có thêm sự ủng hộ của cánh hữu trước cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 này.

Ông Abe nên nhận ra rằng các hạn chế xuất khẩu có thể mang lại kết quả không mong muốn. Nhà Xanh đã xác nhận tin trên các phương tiện truyền thông ngày 11/7 rằng Nga đã chào bán hydro florua, một trong những mặt hàng bị Nhật Bản hạn chế xuất khẩu, cho Hàn Quốc.

Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc cho biết đề nghị của Nga đang được xem xét. Nỗ lực hòa giải của Mỹ trong mâu thuẫn thương mại Hàn-Nhật cũng có thể đóng vai trò chiến lược trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên vì quan hệ Seoul-Tokyo đổ vỡ cũng có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/7 đã cam kết tăng cường quan hệ với cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói: "Nhật Bản và Hàn Quốc tất nhiên không chỉ là bạn bè, họ còn là đồng minh," đồng thời cho biết thêm Mỹ sẽ làm mọi cách có thể để tăng cường mối quan hệ song phương Hàn-Nhật cũng như mối quan hệ 3 bên Mỹ-Hàn-Nhật, cả công khai lẫn ở hậu trường.

Mỹ rõ ràng đang có lập trường thận trọng đối với cuộc tranh cãi thương mại này vì họ nhận thức rõ những gì đằng sau sự căng thẳng leo thang giữa hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, rõ ràng là nếu tranh chấp kéo dài, điều đó sẽ không có lợi cho bất kỳ nước nào trong ba nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục