Tan nát mặt đường

Tan nát mặt đường vì sự cẩu thả

Không thể kể hết những con đường được tái lập một cách cẩu thả, bởi hễ nơi nào có đào đường thì nơi đó mặt đường trở nên tan nát.
Không thể kể hết những con đường được tái lập một cách cẩu thả tại thành phố Hồ Chí Minh, bởi hễ nơi nào có đào đường thì hầu như mặt đường nơi đó trở nên tan nát.

Khi những công trình đào đường đi qua, mặt đường nhựa lại xuất hiện các ổ gà, các vết lún, sụt, gợn sóng. Việc tái lập mặt đường theo kiểu chắp vá, lồi lõm này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn trở thành mối nguy hại cho người tham gia giao thông.

Tan nát những con đường

Suốt con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) dòng xe xuôi ngược thường phải nhảy chồm chồm vì mặt đường đầy các gợn sóng, thậm chí, họ phải leo lên cả lề đường để tránh ổ gà. Đó là “kết quả” của việc tái lập mặt đường một cách cẩu thả sau khi đơn vị thi công cống hộp (thuộc dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè) hoàn thành công việc của mình.

Anh Hoàng Văn Hảo, nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh còn cho biết, sau khi tái lập, mặt đường thấp, miệng cống lại cao nên việc thoát nước rất khó, vì vậy chỉ cần một trận mưa nhỏ là đường ngập thành sông.

Đường Trường Chinh (quận Tân Bình) cũng không ngoại lệ. Dù các “lô cốt” đã được tháo dỡ từ lâu, nhưng nền đường vẫn chỉ được tái lập rất sơ sài. Mặt đường được tái lập luôn thấp hoặc cao hơn mặt đường cũ nên những nắp cống, hố ga cũng cao hoặc thấp theo.

Đường ven kênh Nhiêu Lộc đa số là các đoạn tái lập sơ sài, chỉ một cơn mưa nhỏ là nước đọng thành vũng lớn và xuất hiện nhiều ổ gà.

Những tuyến đường có lưu lượng xe đông như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Lê Văn Sĩ, Hồ Văn Huê, việc tái lập mặt đường cẩu thả khiến ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra mỗi khi đến giờ cao điểm.

Cần phải "nặng tay" xử phạt

Theo ông Phan Châu Thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cải tạo môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, các đơn vị chuyên rải mặt đường thường không làm một đoạn vài chục mét vì sợ tốn kém mà họ chờ làm xong một đoạn vài trăm mét mới tái lập luôn một lần. Theo đó, các đơn vị thi công thường rải một lớp đá xanh, chờ lún rồi mới trải nhựa, vì thế đường lồi lõm, gợn sóng rất dễ gây tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, nhiều tuyến đường thuộc dự án vệ sinh Môi trường thành phố (thuộc lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè) đã thi công lắp đặt công trình ngầm xong nhưng các đơn vị thi công chỉ rải một lớp nhựa thô thấp hơn mặt đường cũ từ 4-7cm dễ gây mất an toàn giao thông.

Một số tuyến đường đã đổ bêtông nhựa nóng nhưng do chất lượng không cao nên mặt đường lại bong tróc, lồi lõm. Mặc dù thanh tra sở đã nhắc nhở nhưng các đơn vị này vẫn chậm trễ khắc phục bù lún, tái lập hoàn chỉnh và có dấu hiệu “nhờn”.

Chính vì thế, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8/2009 đã có 3 nhà thầu chính của dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè bị phạt và đình chỉ thi công, đồng thời buộc phải tái lập hoàn chỉnh những tuyến đã làm gian dối.

Chỉ trong 1 tuần (từ 7-13/8) đã có 6 vụ tái lập mặt đường không đúng nguyên trạng bị kiểm tra, xử lý. Những đơn vị như Tổng công ty Xây dựng số 1, Liên danh nhà thầu TMEC/CHEC3, liên doanh Dreco-Cienco 5, Công ty Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước và Tổng Công ty xây dựng Hà Nội đã bị phạt ít nhất 1 lần vì đã tái lập mặt đường một cách cẩu thả.

Việc phạt mạnh tay của các cơ quan chức năng cũng đã khiến một số đơn vị thi công “ngán”, buộc phải tái lập mặt đường một cách tử tế hơn cũng như tiến hành bù lún những đoạn đã bị “chênh”. Thanh tra Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đồng thời phạt thật nghiêm các nhà thầu thi công tái lập mặt đường một cách cẩu thả./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục