Tanzania xét xử trùm buôn lậu ngà voi ở khu vực Đông Phi

Một tòa án ở Tanzania đã đưa ra xét xử 6 đối tượng buôn bán ngà voi trái phép, trong đó có Yusuf Ali Yusuf, với bí danh Mpemba, được cho là "trùm buôn lậu ngà voi" ở khu vực Đông Phi.
Tanzania xét xử trùm buôn lậu ngà voi ở khu vực Đông Phi ảnh 1Tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Ngày 17/11, một tòa án ở Tanzania đã đưa ra xét xử 6 đối tượng buôn bán ngà voi trái phép, trong đó có Yusuf Ali Yusuf, với bí danh Mpemba, được cho là "trùm buôn lậu ngà voi" ở khu vực Đông Phi.

Theo cáo trạng công bố tại Tòa án thủ đô Dar es Salaam, 6 đối tượng, gồm 5 doanh nhân và 1 lái xe, bị xét xử với tội danh buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, chủ yếu là ngà voi.

Tháng 1/2014 và tháng 10/2016, nhà chức trách Tanzania đã phát hiện và bắt giữ các đối tượng trên khi đang tàng trữ, buôn bán và vận chuyển bất hợp pháp khối lượng ngà voi lớn, trị giá hơn 400.000 USD.

Theo tòa án Tanzania, các đối tượng trên đã kinh doanh trái pháp luật nhiều sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm trong thời gian dài tại các thành phố và khu vực biên giới của quốc gia Đông Phi như Dar es Salaam Morogoro, Iringa, Tanga và Mtwara.

Một báo cáo điều tra của các cơ quan chức năng Tanzania, được tiến hành vào cuối năm 2015, cho biết số lượng cá thể voi ở Tanzania đã giảm mạnh từ 110.000 con vào năm 2009 xuống còn khoảng 43.000 con vào năm 2015.

Theo các chuyên gia của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF), khu vực Đông Phi, nhất là Kenya, Tanzania và Uganda, được coi là "thiên đường" của các loài động vật hoang dã quý hiếm của châu Phi và thế giới. Đây cũng là động lực rất quan trọng để ngành "công nghiệp không khói" phát triển mạnh và mang lại một nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho các quốc gia châu Phi này.

Mới đây, WWF và nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã khuyến cáo việc buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, sư tử... ở châu Phi, chủ yếu là Kenya, Tanzania, Somalia, Nam Phi và Mozambique, đang khiến cho nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tương lai gần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục