Tạo xung lực mới phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics

Tạo xung lực mới, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics

Bộ trưởng Công Thương đề xuất Quảng Ninh ưu tiên bố trí ngân sách để làm “vốn mồi,” thu hút doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn.
Tạo xung lực mới, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và thế giới.

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh, do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng 4/3, tại thành phố Hạ Long,

Những lợi thế để phát triển logistics

Tỉnh Quảng Ninh có 250 km bờ biển kéo dài với trên 6.000 km2 diện tích mặt biển, nhiều cảng nước sâu ít bồi lắng. Tỉnh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế,” là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, với hệ thống hạ tầng giao thông như: cảng biển, đường cao tốc, cùng nhiều cửa khẩu, lối mở, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển dịch vụ logistics.

Lợi thế phát triển logistics của Quảng Ninh gắn với thương mại biên giới, cảng biển và đặc biệt còn có Cảng hàng không Vân Đồn tiềm năng phát triển rất lớn.

[Hộ chiếu Logistics thế giới khởi động “Hub” mới tại Việt Nam]

Bà Trần Thị Huyền, Quản lý kinh doanh cấp cao Khu công nghiệp DEEP C đánh giá, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên ở Việt Nam vạch ra được kế hoạch cụ thể, bắt đầu bằng việc đầu tư hạ tầng đường bộ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt đối với các cửa khẩu cảng và biên giới quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế chi phí logistics tại Việt Nam vẫn rất cao, xấp xỉ bằng 22-25% GDP cả nước (Thái Lan dưới 18%). Đồng thời, hơn 95% trong số 4.000 công ty vận tải tại Việt Nam có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ, trong khi chất lượng, vốn, ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực khá hạn chế.

”Khi vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng cũng cần được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu trong tương lai của các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần,” bà Huyền nói.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) cũng đánh giá cao về tiềm năng và vị trí địa lý thuận lợi để có thể phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics của Quảng Ninh.

Tạo xung lực mới, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics ảnh 2Cầu Vân Tiên hoàn thành cùng tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái tạo điểm nhấn kết nối cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc.. (Ảnh: TTXVN)

Để nâng tầm những lợi thế có được, đại diện VIMC kiến nghị Quảng Ninh cần xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, tỉnh cần phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý chiến lược có các cửa khẩu quốc tế, trung tâm 2 hành lang kinh tế (Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Nam Ninh-Bằng Tường-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh) cùng vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ để xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng.

Ông cũng mong muốn tỉnh Quảng Ninh xây dựng những giải pháp nhằm kích cầu hàng hóa, tiếp tục nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển, nâng cao năng lực quản lý, khai thác tối đa công suất các bến cảng cảng hiện hữu...

“Chính phủ đang khuyến khích phát triển thương mại chính ngạch, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Quảng Ninh sẽ tập trung đi qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, đặc biệt hàng nông sản rất cần có dịch vụ logistics về phương tiện, kho để lưu giữ, kho lạnh để bảo quản các hàng hóa dễ mau hỏng như trái cây, Quảng Ninh cần có chiến lược rõ ràng cho xu thế này...,” ông Lê Quang Trung đề xuất.

Cần giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Quảng Ninh là một tỉnh có vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế.

Tạo xung lực mới, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics ảnh 3Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy vậy, để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, ông Diên đề nghị Quảng Ninh tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163/NQ-CP và Quyết định 80/QĐ-TTg, để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics, khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; cũng như tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề xuất tỉnh chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội.

Cùng với đó, ưu tiên bố trí ngân sách để làm “vốn mồi,” dẫn dắt, thu hút doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức và có khả năng kết nối hiệu quả với các hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, hành lang kinh tế  nhằm nâng cao tính kết nối giữa Quảng Ninh với các địa phương trong Vùng và với các Vùng kinh tế trong nước, khu vực, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.

Tập trung đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, tận dụng lợi thế riêng có về địa lý để tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm kết nối hạ tầng logistics với Trung Quốc và các nước ASEAN, Đông Bắc Á, từ đó phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới… hình thành các chuỗi logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí phù hợp.

"Quảng Ninh cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới," ông Diên nói.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Quảng Ninh đã làm tương đối tốt việc phát triển hạ tầng cho logistics, tuy nhiên ngành dịch vụ logistics của tỉnh nói chung còn chưa xứng với tiềm năng.

“Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh được tổ chức là sự khẳng định quyết tâm của Tỉnh trong việc xác định dịch vụ logistics là một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới. Từ đó, Tỉnh ủy sẽ ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xây dựng Đề án để vạch ra những mục tiêu phát triển dịch vụ logistics của tỉnh, đồng thời huy động nguồn lực thực hiện bằng được các mục tiêu này,” ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh thêm./.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung thu hút đầu tư để triển khai xây dựng 6 trung tâm logistics lớn của tỉnh.

Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong quản trị logistics, phát triển logistics gắn với phát triển kinh tế biển, quan tâm thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp uy tín đến với tỉnh Quảng Ninh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các nghiệp vụ kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực kinh doanh logistics nội địa và quốc tế…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục