Tập đoàn công nghệ Sina lên kế hoạch rút khỏi thị trường Mỹ

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hoặc niêm yết trong nước do lo ngại tranh chấp thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc.
Tập đoàn Sina sở hữu nền tảng nhắn tin Weibo có kế hoạch hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq. (Nguồn: Bloomberg)
Tập đoàn Sina sở hữu nền tảng nhắn tin Weibo có kế hoạch hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq. (Nguồn: Bloomberg)

Tập đoàn Sina của Trung Quốc, sở hữu nền tảng nhắn tin Weibo, đang lên kế hoạch hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và trở thành công ty tư nhân. Điều này khiến Sina là doanh nghiệp mới nhất ở Trung Quốc đại lục rút khỏi Wall Street trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Cụ thể, Sina sẽ chấm dứt giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq sau khi ban giám đốc quyết định sáp nhập Sina với New Wave MMXV Ltd, một công ty do chính Giám đốc (CEO) của Sina là Charles Chao điều hành.

Với thỏa thuận này, New Wave sẽ trả 43,3 USD cho mỗi cổ phiếu của Sina, cao hơn so với mức giá 41 USD đưa ra vào tháng 6 vừa qua, qua đó định giá Sina ở mức 2,59 tỷ USD. Thỏa thuận sáp nhập này dự kiến hoàn tất vào quý 1/2021.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc quyết định hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hoặc chọn cách niêm yết trong nước khi hai cường quốc hàng đầu thế giới bất đồng trong một số vấn đề liên quan đến công nghệ và tình hình chính trị tại Hong Kong (Trung Quốc).

[Mỹ thắt quy định với doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên Phố Wall]

Mỹ đang lên kế hoạch áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các doanh nghiệp đang niêm yết tại nước này, tiến hành kiểm toán các tài khoản ở Mỹ, từ đó buộc các công ty Trung Quốc phải rút khỏi đây.

Điều này có thể khiến các công ty phải chuyển hướng sang các thị trường nội địa của Trung Quốc như Hong Kong hoặc Thượng Hải.

Các hãng công nghệ lớn như Alibaba và JD.com, hiện đang giao dịch tại New York, đã bắt đầu niêm yết tại Hong Kong vào năm ngoái, trong khi chi nhánh tài chính của Alibaba đang lên kế hoạch niêm yết quy mô lớn tại hai thành phố này.

Tháng 6 vừa qua, nhà sản xuất vi mạch silicon lớn nhất của Trung Quốc SMIC cũng đã rút khỏi thị trường Mỹ.

Mới đây nhất, hôm 26/9, Chính phủ Mỹ đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với SMIC, sau khi kết luận rằng thiết bị được cung cấp cho hãng này có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.

Washington đã yêu cầu cho các công ty Mỹ phải xin giấy phép trước khi bán công nghệ cho công ty SMIC có trụ sở tại Thượng Hải. SMIC trở thành công ty công nghệ hàng đầu thứ 2 của Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế thương mại của Mỹ sau Tập đoàn công nghệ Huawei.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giới hoạn số doanh nghiệp Mỹ có thể hợp tác với công ty viễn thông Huawei, yêu cầu công ty ByteDance sở hữu ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok phải bán mảng hoạt động ở Mỹ cho các công ty Mỹ, với lý do "quan ngại về an ninh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục