Tập trung hoàn thành thông tuyến toàn bộ đường Hồ Chí Minh

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án thành phần của dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh cho thống nhất với quy hoạch mạng lưới đường bộ.
Tập trung hoàn thành thông tuyến toàn bộ đường Hồ Chí Minh ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Hoàn thành đường Hồ Chí Minh là nhiệm vụ bắt buộc 

Tham gia thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và tiến độ thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, thể hiện sự đồng tình cao với nội dung báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhấn mạnh đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, an ninh-quốc phòng, kết nối Bắc-Nam, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh là con đường mang tên Bác, nên còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước.

[Quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh]

Vì vậy, Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 đầu tư xây dựng tuyến đường này và sau đó Quốc hội khóa XIII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra trong thời gian triển khai thực hiện dự án, còn có một số vấn đề khó khăn, chính vì vậy việc xây dựng tuyến đường còn 171km chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân.

Theo đại biểu, cần phân tích kỹ, làm rõ các lý do, nguyên nhân, đồng thời chỉ ra được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thuộc Quốc hội đã theo dõi, giám sát tiến độ dự án, bên cạnh trách nhiệm thực thi dự án của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan.  

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét dành riêng một nguồn vốn đặc biệt tập trung để hoàn thành toàn bộ dự án đường Hồ Chí Minh.

Cùng chung ý kiến này, đại biểu Thái Thanh Quý (Nghệ An) cho rằng, mặc dù các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ đều xác định đường Hồ Chí Minh là tuyến đường chiến lược, quan trọng, nhất là về quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Tây của đất nước.

Song, "từ năm 2004 đến nay là gần 20 năm chúng ta thực hiện xây dựng tuyến đường này nhưng chưa xong. Địa bàn Nghệ An thông tuyến đã lâu, nhưng rất tiếc chưa thông tuyến được từ Pác Bó đến Đất Mũi (Cà Mau)," đại biểu Thái Thanh Quý nói.

Cũng theo đại biểu, lý do của sự chậm trễ này là các bên liên quan chưa tập trung cao độ, chưa quyết liệt. Có những đoạn như đoạn ở Đà Nẵng 11 năm nay mới chỉ giải phóng mặt bằng được 1,5km trong số 11km.

Đại biểu Thái Thanh Quý cũng lưu ý đến nay việc bố trí nguồn đầu tư công cho hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa rõ ràng, cụ thể.

Chia sẻ ý với hai đại biểu trên, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) bày tỏ tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Các báo cáo đã đánh giá toàn diện việc triển khai Nghị quyết số 66/2013/QH13, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đưa ra một số mục tiêu, giải pháp trước mắt, lâu dài để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho biết mục tiêu của Nghị quyết số 66 là nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, tuy nhiên đối chiếu với phụ lục của quy hoạch mạng lưới đường bộ từ 2021-2023, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định thời hạn hoàn thành dự án và một số dự án trong các văn bản này đang không thống nhất.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án thành phần của dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh cho thống nhất với quy hoạch mạng lưới đường bộ cũng như đảm bảo tính khả thi trong bố trí nguồn vốn và nguồn lực khác cho dự án.

Tham gia thảo luận, làm rõ băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung-Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.

Quốc hội đã quyết định mục tiêu thông tuyến từ Bắc tới Nam giai đoạn đầu với quy mô 2 làn xe. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến.

Cụ thể, 3 đoạn tuyến chưa hoàn thành gồm đoạn Chợ Chu-Ngã Ba Trung Sơn; đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tập trung bố trí vốn để hoàn thành những đoạn đường còn lại này.

Đây là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện, đồng thời cần tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để rút kinh nghiệm, đề xuất đầu tư giai đoạn sau. Bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng những đoạn đường xuống cấp để đảm bảo thông suốt tuyến đường.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua thông báo kết luận, Chính phủ đã rà soát trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn 5 năm phân bổ cho ngành Giao thông Vận tải để bố trí cho các đoạn tuyến Chợ Chu-Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận.

Các đoạn tuyến này sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân ở các vùng tuyến đường đi qua.

Tạo động lực phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Một nội dung khác thu hút sự quan tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại các tổ là Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Tập trung hoàn thành thông tuyến toàn bộ đường Hồ Chí Minh ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hầu hết các đại biểu Quốc hội tán thành với ý nghĩa, tính cấp thiết và chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đánh giá cao hồ sơ của chính phủ trình Quốc hội về “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.”

Hồ sơ được chuẩn bị rất là kỹ, nghiêm túc, đầy đủ, nhiều loại hồ sơ và quá trình chuẩn rất khẩn trương.

Đại biểu đề nghị Nghị quyết của Quốc hội cần đảm bảo: “Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tỉnh Khánh hòa phải gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.”

Từ đó, đại biểu kiến nghị Nghị quyết của Quốc hội cần tạo cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

“Tôi đề nghị Quốc hội cần tiếp tục rà soát, bổ sung, đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác, tác động chính sách, cụ thể là kinh tế-xã hội, về môi trường, đặc biệt không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh để các nội dung của Nghị quyết của Quốc hội sau khi ban hành phải đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống,” đại biểu Trần Văn Khải nói.

Nhấn mạnh Khánh Hòa là một tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới.

Qua nghiên cứu các chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa mà Chính phủ đề xuất, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung các chính sách mang tinh thần đổi mới, cơ bản phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần giải trình làm rõ thêm về phạm vi, quy mô và sự cần thiết của từng chính sách, đồng thời, cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo những chính sách này khả thi trong thực tiễn; tránh trục lợi chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến đất đai, rà soát chặt chẽ trong việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa…

Theo đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội), các chính sách đưa ra cần nghiên cứu thật kỹ các quy định về thu hồi đất, bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, dễ nảy sinh những vấn để phức tạp.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá cao chính sách liên quan đến phát triển kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nó phù hợp với lợi thế của tỉnh, mang tầm chiến lược lâu dài.

Tuy nhiên, cũng cần có những quy định để siết chặt, thu hồi ưu đãi với những tổ chức, đơn vị được giao phát triển, nuôi trồng thủy, hải sản nhưng không thực hiện.

Cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã làm ngày làm đêm để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

So với bản dự thảo ban đầu, các cơ chế chính sách trong dự thảo Nghị quyết đã được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, một số cơ chế chính sách không khả thi, thiếu thiết thực đã được loại ra, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách mới.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết cho phép Khánh Hòa được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù hiện đã được Quốc hội cho phép áp dụng với một số địa phương khác như hằng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ một số khoản thu phân chia và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% so với dự toán; được vay không quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết cũng cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết có thêm 4 cơ chế, chính sách mới so với các địa phương khác gồm cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách cấp mình quản lý để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện chuẩn bị thu hồi đất; tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công và phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Với các cơ chế, chính sách này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng dự thảo Nghị quyết đã thiết kế các “van,” “khóa” rất chặt chẽ, như cơ chế chính sách về chuẩn bị thu hồi đất, lập đề án như thế nào, ai có thẩm quyền, kết quả đo vẽ phải được sử dụng làm căn cứ pháp lý để sau này tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục