"Tàu 67” không hiệu quả, các chủ tàu kêu trời vì nợ ngân hàng

Một số “tàu 67” ở Bà Rịa-Vũng Tàu gặp nhiều sự cố về kỹ thuật phải nằm bờ, không thể vươn khơi bám biển khiến các chủ tàu như ngồi trên đống lửa vì lãi suất ngân hàng.
"Tàu 67” không hiệu quả, các chủ tàu kêu trời vì nợ ngân hàng ảnh 1“Tàu 67” của ông Phạm Ngọc Hoàng, phường 3, thành phố Vũng Tàu đã nằm bờ gần 1 năm nay do tàu bị rỉ sét, máy tàu nhỏ không thể tải nổi thân tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay trên địa bàn tỉnh có 68 tàu được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67), bên cạnh các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động hiệu quả, vẫn còn một số tàu hoạt động không hiệu quả, khiến việc trả nợ ngân hàng của các chủ tàu gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Đức Bảy, ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, ông có 1 tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần đóng theo Nghị định 67, với công suất 1.200CV, số tiền vay ngân hàng để đóng con tàu lên đến 24 tỷ đồng, tàu ông được hạ thủy giữa năm 2016.

Tuy nhiên, khi tàu mới đưa vào hoạt động đã bị rơi chân vịt và tàu bị rung lắc mạnh không ra khơi được.

Trước sự cố về kỹ thuật, tàu ông đã phải nằm bờ đến 1 năm để khắc phục sự cố, phải đến giữa năm 2017 tàu của ông mới chính thức ra khơi chuyến biển đầu tiên.

Tuy nhiên, trong năm 2017 và 2018 do thời tiết không thuận lợi, mưa, bão nhiều, lượng hải sản đánh bắt được của các tàu khác ít đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tàu.

“Đến nay, tàu của tôi mới ra khơi được 8 chuyến. Do hoạt động khó khăn, không hiệu quả nên hiện nay tôi chưa có khả năng trả nợ ngân hàng, với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng,” ông Bảy cho biết thêm.

Ông Nguyễn Trường Quang, xã Phước Hưng, huyện Long Điền cho biết, ông có 2 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 được hạ thủy và đưa vào sử dụng cuối năm 2016 với tổng số tiền vay ngân hàng gần 36 tỷ đồng.

Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, 2 “tàu 67” trung bình mỗi chuyến biến ông thu lãi được 200-300 triệu đồng, nhờ vậy ông có tiền để trả nợ vay ngân hàng và chi trả cho thuyền viên.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2017, tình hình khai thác gặp nhiều khó khăn hầu hết sau mỗi chuyến biển ông đều lỗ, ít nhất là 20 triệu đồng, nhiều là khoảng hơn 100 triệu đồng.

Thêm vào đó, tàu của ông liên tục gặp sự cố trên biển như bị tàu giã cào phá lưới, gãy chân vịt. Nguồn thu không có, việc xử lý, chi trả bồi thường của công ty bảo hiểm kéo dài làm ông Quang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Vào tháng 11/2018, một tàu vỏ thép của ông mang số hiệu BV 91368 đã bị sóng đánh chìm khi cách Côn Đảo 14 hải lý.

Điều đáng nói là, do việc chi trả của bảo hiểm kéo dài nên ông Quang chưa có tiền mua lại bảo hiểm cho con tàu này.

Do khó khăn, đến nay đã hơn 3 tháng ông Quang chưa có tiền để trả nợ cho ngân hàng, với số tiền gần 700 triệu đồng/2 tàu.

Trước tình hình khó khăn chồng chất khó khăn, ông Quang đã có đơn xin khoanh nợ gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ngân hàng BIDV chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét cho ông được đóng tiền lãi suất ngân hàng hàng tháng, còn lại được khoanh nợ gốc một thời gian khi làm ăn ổn định, có lãi sẽ chi trả đầy đủ theo cam kết.

Hiện nay, tàu mang biển hiệu BV 96779 của ông Phạm Ngọc Hoàng, ngư dân phường 3, thành phố Vũng Tàu cũng đang nằm bờ.

Ông Hoàng cho biết tàu ông là tàu vỏ thép đóng thí điểm đầu tiên của tỉnh tháng 10/2015 bắt đầu hạ thủy, thời gian đầu tàu hoạt động bình thường, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, tàu của ông liên tục gặp sự cố phải nằm bờ không thể đi khai thác.

Theo ông Hoàng, sự cố đầu tiên là mẫu thiết kế tàu không phù hợp. Tàu của ông là tàu vỏ thép dài 27m, rộng 6,5m tuy nhiên thiết kế máy chỉ có công suất 608CV, nên sau một thời gian sử dụng máy xuống cấp thường xuyên hư hỏng do thân của con tàu quá nặng.

[Quảng Nam: Gần 730 tỷ đồng cho vay đóng tàu lớn vươn khơi bám biển]

Cụ thể, khi tàu mới đưa vào hoạt động, máy còn mới có thể chạy được 7-8 hải lý/giờ, thì nay tàu chỉ còn chạy được 4-5 hải lý/giờ.

Thêm nữa, hiện nay qua một thời gian đi vào hoạt động thân tàu cũng như toàn bộ bên trong con tàu đã bị rỉ sét, bong tróc từng mảng lớn, xuống cấp nghiêm trọng không an toàn khi ra khơi, nếu thả lưới vô tình vướng vào sẽ làm rách lưới.

"Tàu 67” không hiệu quả, các chủ tàu kêu trời vì nợ ngân hàng ảnh 2
"Tàu 67” không hiệu quả, các chủ tàu kêu trời vì nợ ngân hàng ảnh 3Tàu cá rỉ sét, bong tróc. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

“Tổng số nợ vay để đóng con tàu là 12 tỷ đồng, trong khi tàu nằm bờ trong thời gian dài, giờ tôi cũng rất khó khăn trong việc huy động nguồn tiền trả nợ, hiện tại tôi đang nợ hơn 1 tỷ đồng chưa trả được.

Với tình trạng tàu không hoạt động được, tôi mong muốn nhà nước và ngân hàng xem xét khoanh, giãn nợ để tôi sửa chữa tàu, khắc phục sự cố để tàu tiếp tục ra khơi mới có tiền trả nợ,” ông Hoàng kiến nghị.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thực hiện chính sách về phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ, trên toàn tỉnh đã có 68 tàu được hỗ trợ đóng mới gồm 59 tàu khai thác, 9 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản; 1 tàu được hỗ trợ nâng cấp với tổng số tiền ngân hàng thương mại cam kết cho vay gần 1.034 tỷ đồng.

Qua khảo sát, trong 68 tàu đóng mới, hiện có 9 tàu hoạt động không hiệu quả chủ yếu là tàu vỏ thép và đã có 5 tàu chuyển sang nợ xấu, với tổng số nợ là 72,197 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thành, nguyên nhân dẫn đến việc tàu cá đóng theo Nghị định 67 hoạt động không hiệu quả được ngành thủy sản tỉnh nhận định, thứ nhất là việc thiết kế tàu cá vỏ thép chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần, chất lượng một số tàu chưa đảm bảo.

Số lượng tàu của các tỉnh tập trung khai thác tại ngư trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quá đông như lưới vây, lưới rê, lưới kéo dẫn đến ngư trường khai thác nghề lưới rê hạn hẹp, nhưng nguồn lợi thủy sản có hạn.

Đặc biệt là các nghề giã cào (lưới kéo) dẫn đến xung đột trên biển với các nghề lưới vây, cào mất lưới, rách lưới làm thiệt hại cho chủ tàu dẫn đến khai thác không hiệu quả.

Việc tìm kiếm lao động đi biển gặp nhiều khó khăn, nhiều thuyền viên sau khi cầm tiền ứng trước của chủ tàu đã bỏ trốn, làm mất tiền của, lỡ chuyến đi biển của các chủ tàu.

Thêm vào đó, theo phản ánh của bà con ngư dân, trong khi tình hình khai thác gặp nhiều khó khăn, nhưng khi gặp sự cố trên biển việc chi trả bồi thường thiệt hại của công ty bảo hiểm còn chậm, thời gian chi trả kéo dài gây khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để hoạt động….

Còn theo bà Phạm Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngoài những nguyên nhân khách quan, bên cạnh đó còn những nguyên nhân chủ quan khiến việc một số tàu “67” dẫn đến nợ xấu, chậm trả nợ đó là: khi đánh bắt được thủy sản có doanh thu, lợi nhuận nhưng chủ tàu cố tình trây ì, thiếu hợp tác với ngân hàng trong việc trả nợ gây khó khăn trong việc thu hồi vốn vay.

Trước vấn đề trên, bà Lam cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ ngân hàng cho vay theo dõi, giám sát hoạt động của con tàu, hoạt động ngành nghề theo đúng pháp luật và quản lý doanh thu của tàu vay vốn theo Nghị định 67 nhằm hỗ trợ ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo khoản vay.

Để hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển, ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với các đơn vị ngân hàng tham gia vào chương trình Nghị định 67 tìm kiếm hướng giải quyết cho ngư dân.

Ngành cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian vay vốn đóng mới tàu cá từ 16 năm lên 20 năm; kiến nghị cho ngư dân được mua bảo hiểm ở các công ty bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính quản lý nhằm tăng tính cạnh tranh nâng cao chất lượng phục vụ.

Với một số tàu do ngư trường khai thác, nguồn lợi hải sản bị hạn chế nên các chủ tàu làm ăn thua lỗ, chưa có hiệu quả, ngành thủy sản đang tiếp tục động viên bà con ngư dân vươn khơi bám biển…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục