TEPCO quyết định chọn con đường “quốc hữu hóa”

TEPCO lựa chọn con đường “quốc hữu hóa” trên thực tế vì chính phủ Nhật Bản sẽ có quyền quyết định các chính sách của TEPCO.
Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 27/6 đã tổ chức đại hội cổ đông và nhận được sự đồng thuận của các cổ đông để thực hiện đề án nhận 1.000 tỷ yen từ quỹ công để tăng cường nguồn vốn của công ty sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Với quyết định này, các cổ đông của TEPCO đã quyết định chính thức lựa chọn con đường “quốc hữu hóa” trên thực tế vì chính phủ Nhật Bản sẽ có quyền quyết định các chính sách của TEPCO do nắm hơn 1/2 cổ phần.

Chính phủ Nhật Bản sẽ bơm 1.000 tỷ yên vào TEPCO ngày 25/7 tới.

Cũng tại đại hội cổ đông này, chính quyền Tokyo, cổ đông lớn nhất của TEPCO, đã đưa ra đề xuất cần nâng cao quan niệm kinh doanh lấy phục vụ khách hàng làm sứ mệnh đầu tiên, trong khi một số cổ đông cá nhân khác yêu cầu từ bỏ điện hạt nhân. Tuy nhiên, những đề nghị này đã bị đại hội cổ đông phủ quyết.

Đại hội cổ đông năm nay cũng biểu quyết các đề xuất về nhân sự của TEPCO, theo đó Chủ tịch hội đồng quản trị TEPCO Tsunehisa Katsumata và Giám đốc điều hành Toshio Nishizawa cùng nhiều lãnh đạo khác đã thoái nhiệm để nhường chỗ cho ban lãnh đạo mới do Chủ tịch hội đồng quản trị Kazuhiko Shimokobe và Giám đốc điều hành Naomi Hirose đứng đầu.

Ngoài TEPCO, 8 công ty điện lực khác có các nhà máy điện hạt nhân, trong đó có Công ty điện lực Kansai (KEPCO), cũng tiến hành đại hội cổ đông.

Chính quyền Osaka, cổ đông lớn của KEPCO, đã đề nghị đưa ra phương châm từ bỏ điện hạt nhân, trong khi một số cổ đông khác yêu cầu dỡ bỏ các lò phản ứng hạt nhân và ngừng xây dựng các lò mới, nhưng những đề xuất này cũng đã bị bác bỏ./.

M.Sơn/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục