Thái Lan lập nội các đặc biệt đối phó bạo lực

Ngày 13/1, nội các Thái Lan đã quyết định thành lập Hội đồng nội các đặc biệt nhằm giải quyết tình trạng bạo lực leo thang tại các tỉnh cực Nam nước này. Hội đồng có 16 thành viên, do Thủ tướng Abhisit Vejjajiva làm Chủ tịch.

Ngày 13/1, nội các Thái Lan đã quyết định thành lập Hội đồng nội các đặc biệt nhằm giải quyết tình trạng bạo lực leo thang tại các tỉnh cực Nam nước này. Hội đồng có 16 thành viên, do Thủ tướng Abhisit Vejjajiva làm Chủ tịch.
 
Cùng ngày, Thứ trưởng Nội vụ Thaworn Senneam cho biết Thủ tướng Abhisit  sẽ dẫn đầu các thành viên của hội đồng này tới thăm tỉnh miền Nam Yala vào ngày 17/1 tới để thị sát tình hình và tìm hướng giải quyết một số vấn đề tại đây.
 
Thông báo trên được đưa ra sau khi nội các Thái Lan nhất trí gia hạn tình trạng khẩn cấp ở miền Nam nước này thêm 3 tháng nữa, đến tháng 4/2009. Đây là lần gia hạn thứ 14 kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố lần đầu tiên năm 2005.
 
Kể từ năm 2004 đến nay, tình trạng bạo lực leo thang tại các tỉnh miền Nam Thái Lan, như Yala, Pattani, Narathiwat và một phần của tỉnh Songkhla, đã khiến hơn 3.500 người thiệt mạng, trong đó có cả quan chức địa phương, cảnh sát, binh lính và những thường dân.
 
Trong một diễn biến liên quan, Đảng Dân chủ cầm quyền ở Thái Lan ngày 13/1 cho biết đã bổ nhiệm 3 nhà lãnh đạo của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), tổ chức đứng đằng sau các cuộc biểu tình phong toả hai sân bay ở Bangkok trong tháng 11-12/2008, làm các cố vấn cho chính phủ. Việc bổ nhiệm này được coi là một đòn mới giáng vào những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đồng thời có nguy cơ gây thêm chia rẽ giữa các phe phái ở Thái Lan.
 
Để bảo vệ quyết định bổ nhiệm trên, Phó Thủ tướng kiêm Tổng thư ký Đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban cho biết 3 cố vấn trên "không phải là lãnh đạo nòng cốt, mà đơn thuần chỉ tham gia PAD để thực hiện hoạt động chính trị của họ". Trong khi đó, Thủ tướng Abhisit  cho rằng Prapanth Koonmee, một trong 3 nhà lãnh đạo PAD nói trên, không phạm tội gì khi phát biểu trong các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, ông bác bỏ việc bổ nhiệm 2 thành viên còn lại của PAD là Samran Rodpetch và Phichet Pattanachot vì có những tranh cãi về việc liệu họ còn làm trong khu vực tư nhân hay không.
 
Cũng liên quan tới tình hình chính trị ở Thái Lan, ngày 13/1, Cựu Chủ tịch Hội đồng an ninh Quốc gia (CNS) đã bị giải thể Sonthi Boonyaratkalin đã khẳng định ông không hề có dự định đứng ra thành lập một chính đảng mới tại Thái Lan như báo chí đưa tin.
 
Mạng tin trực tuyến tờ "Bưu điện Bangkok" dẫn lời ông Sonthi, cựu Tư lệnh Lục quân đã lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ  Thaksin hồi tháng 9/2006, nêu rõ ông đang sống ở nước ngoài và rất ngạc nhiên trước những tin nói rằng ông chuẩn bị đứng ra thành lập một chính đảng mới trên cơ sở lôi kéo sự ủng hộ của các thành viên thuộc phái "Những người bạn của Newin".
 
Cùng ngày, chính trị gia Boonjong Wongtrairat thuộc phái Newin, hiện giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ mới, cũng lên tiếng bác bỏ tin nói phái này liên kết với ông Sonthi thành lập đảng mới và cho biết phái Newin sẽ chính thức gia nhập Đảng Phum Jai Thai vào ngày 14/1, giúp đảng này trở thành đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục