Mỹ “cán đích” thâm hụt

Thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể đạt mức kỷ lục

Nguồn thu của cường quốc số một thế giới ở tài khóa 2009 chỉ đạt 420 tỷ USD trong khi mức chi lại tăng cao kỷ lục 3,5 nghìn tỷ USD.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 7/10 dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2009  (kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua) có thể lên đến 1,4 nghìn tỷ USD, cao hơn khoảng 950 triệu USD so với tài khóa trước đó.

Đây cũng là mức dự đoán thâm hụt ngân sách cao kỷ lục trong 54 năm qua và tương đương 9,9% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ.

Theo CBO, nguyên nhân khiến thâm hụt ngân sách tăng kỷ lục là do tình trạng tăng chi, giảm thu của Chính phủ Mỹ với các khoản chi khổng lồ cho các gói cứu trợ kinh tế.

Báo cáo cho thấy so với tài khóa trước, nguồn thu của cường quốc số một thế giới trong tài khóa 2009 chỉ đạt khoảng 420 tỷ USD, thấp hơn 17%, trong khi mức chi lại tăng thêm 350 tỷ USD (17,8%), lên mức cao kỷ lục 3,5 nghìn tỷ USD.

Tính riêng tháng 9/2009, ngân sách liên bang đã thâm hụt 31 tỷ USD, so với mức thặng dư 42 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ tài khóa 2008 chỉ là 459 tỷ USD.

Mức thâm hụt ngân sách được tính toán dựa trên số liệu các báo cáo hàng ngày của Bộ Tài chính và CBO. Dự kiến giữa tháng này CBO sẽ công bố báo cáo chính thức mức thâm hụt của Mỹ.

Trước tình trạng tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 9,8%, mức cao kỷ lục trong vòng 26 năm, cũng trong ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama có buổi thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid nhằm tìm biện pháp kích thích kinh tế cũng như tạo việc làm mới.

Một phụ tá cấp cao của Tổng thống cho biết, các nhà lãnh đạo đã đánh giá những kết quả bước đầu của chương trình kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD và cân nhắc khả năng mở rộng các chương trình phúc lợi dành cho những người thất nghiệp cũng như các biện pháp tạo công ăn việc làm trong tương lai.

Cùng ngày, chuyên gia kinh tế cao cấp Ed McKelvey thuộc Tập đoàn Goldman Sachs, Mỹ nhận định lần đầu tiên trong ba thập kỷ qua, cuộc suy thoái kinh tế Mỹ đã xóa hết mọi việc làm được tạo ra trong thời kỳ tăng trưởng trước đó.

Ông cho biết những điều chỉnh trong danh sách trả lương và khả năng số việc làm tiếp tục mất đi trong những tháng tới đồng nghĩa với xóa sổ 8,3 triệu việc làm, được tạo ra trong giai đoạn 2003-2007.
Trước đây, lần duy nhất xảy ra tình trạng như vậy là giai đoạn nằm giữa các cuộc khủng hoảng năm 1980 và 1981-1982./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục