Theo một nghiên cứu mới được công bố ngày 11/12, tham nhũng ở Bulgaria năm 2014 đã "phá kỷ lục" trong 15 năm qua, với khoảng 158.000 vụ hối lộ mỗi tháng tại quốc gia nghèo nhất Liên minh châu Âu (EU) này.
Nghiên cứu trên cho biết người dân Bulgaria coi các nhà lập pháp và hành pháp là những đối tượng liên quan nhiều nhất tới tham nhũng.
Kết quả thăm dò của Trung tâm cố vấn về nghiên cứu dân chủ (CSD), có trụ sở tại thủ đô Sofia, cho thấy 39,4% dân số ở Bulgaria trên 18 tuổi phải chịu áp lực đưa hối lộ dưới dạng bằng tiền hoặc quà tặng.
Khoảng 29,3% người trả lời trong cuộc khảo sát trên cho biết họ đã đưa hối lộ. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi CSD tiến hành những nghiên cứu hàng năm bắt đầu vào năm 1999. Vào thời điểm đó, 34,2% người được hỏi nói rằng họ được yêu cầu đưa hối lộ và 28,7% cho biết họ đã làm điều này.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng trong hầu hết các trường hợp, áp lực tham nhũng bắt nguồn từ các quan chức quản lý nhà nước.
Bảy năm sau khi gia nhập EU, Bulgaria vẫn là quốc gia bị Brussels giám sát chặt chẽ vì có tỷ lệ tham nhũng cao, bộ máy tư pháp trì trệ và không hiệu quả.
Tham nhũng, cùng với tình trạng nghèo đói, cũng là căn nguyên chủ yếu gây nên sự tức giận trong dân chúng và các cuộc khủng hoảng chính trị với sự sụp đổ của 2 chính phủ trong vòng 2 năm qua tại Bulgaria./.