Chiều 12/6, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức Hội thảo “Tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai” với sự tham dự của các Đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý và hoạch định chính sách.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết chiều 11/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5/2020 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2020.
Tại Hội thảo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các đại biểu Quốc hội đưa ra gợi ý, định hướng để đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai.
Tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết trong gần 5 năm thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, hệ thống pháp luật về đất đai được ban hành đồng bộ, kịp thời, hình thành cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý và sử dụng đất đai. Việc ban hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở quan trọng để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập như nguồn lực về đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn… Trong đó, nguyên nhân chính là điều kiện, quy định của pháp luật chưa đi vào thực tiễn.
[Quốc hội biểu quyết ba luật và thảo luận về hai dự án luật]
Từ thực tế đó, ông Lê Thanh Khuyến đề xuất một số vấn đề cần sửa đổi như quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất đảm bảo chất lượng, tầm nhìn quy hoạch, tổ chức thi hành; chia các loại đất để bảo vệ nghiêm ngặt; chuyển mục đích sử dụng diện tích đất sang mục đích khác; quy hoạch các công trình khai thác không gian đất trên cao và tầng ngầm.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành được Quốc hội thông qua tháng 6/2014 và có hiệu lực từ đầu năm 2015 đến nay đã phát huy hiệu quả về nhiều mặt, tao hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện cho công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nhận thức về bảo vệ môi trường của nhân dân ngày một nâng cao. Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa theo kịp, chưa đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường.
Các loại thuế, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường còn những điểm chưa phù hợp, chưa hướng đến mục đích bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các vấn đề môi trường diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp và khó lường, đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải sớm được cập nhật bổ sung, hoàn thiện.
Do vậy, thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường; khắc phục những vướng mắc của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh về bảo vệ môi trường; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đảm bảo hài hòa, công bằng, minh bạch
Tại Hội thảo, có 10 đại biểu của các Đoàn đại biểu Quốc hội như Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Đồng Tháp… đóng góp ý kiến liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo đất đai; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; các chính sách về Luật Bảo vệ môi trường…
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt cho biết hiện nay, đã có Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề phát triển và bảo vệ rừng, trong đó có phần quy định không được chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang tất cả các mục đích khác.
Chỉ thị 1568/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định tương tự. Do đó, đại biểu đề nghị trong quá trình điều chỉnh Luật Đất đai cần cân nhắc thật kỹ vẫn đề này để đảm bảo đúng quy định.
Bên cạnh đó, hiện đang có mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư, tạo ra những kẽ hở, khiến hầu hết các dự án dù công hay tư đều có chỉ định quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư thay vì có đấu giá đất.
Nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn, thất thoát tài nguyên sẽ rất lớn, tạo ra mâu thuẫn trong việc định giá đất. Hiện nay, việc sai lệch lớn trong việc định giá đất gây bức xúc cho người dân, khiếu kiện kéo dài. Do đó, cần phải có mức bồi thường phù hợp, bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng như lợi ích của nhân dân.
Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần khắc phục được các lỗ hổng trên nhằm hạn chế sự bức xúc, bất an cho người dân.
Theo ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nên sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung còn bất cập của Luật Đất đai như giá đất, thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, mức hạn điền đối với người sử dụng đất nông nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng về mức hạn điền, nên có quy định mới cho phép cá nhân và tổ chức mở rộng mức hạn điền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, cần có khung quy định nhất định về mức hạn điền ở mức độ nào.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nhấn mạnh, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường hiện nay là vấn đề cấp thiết. Đối với nhóm chính sách về đánh giá tác động môi trường, hiện có rất nhiều dự án đánh giá tác động môi trường chưa đủ, hoặc đánh giá chưa kỹ, bỏ lọt một số dự án chưa đánh giá, gây ra một số hệ lụy.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đề nghị, khi đánh giá tác động thì không chỉ đánh giá tác động riêng một dự án mà phải đánh giá tác động trên toàn bộ khu vực ảnh hưởng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu sự ảnh hưởng tới môi trường của dự án.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, trên cơ sở quan điểm, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, tiếp thu; đồng thời tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đảm bảo sự hài hòa, công bằng, minh bạch giữa các lợi ích không chỉ cho cá nhân, cộng đồng mà còn cho cả quốc gia./.