Chiều 21/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn số 419 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Công văn nêu rõ trong những ngày qua, số lượng người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về tỉnh hoặc đi qua tỉnh Thanh Hóa tăng mạnh, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Do số lượng người đi trở về từ vùng dịch tăng mạnh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở một số ngành, địa phương đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót; trong đó một số nơi còn có biểu hiện lơi lỏng trong việc theo dõi, giám sát công dân từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về địa phương.
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên, giữ vững thành quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy phải tiếp tục tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phải xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Các địa phương, ban, ngành phải chủ động đánh giá, nhận diện rõ cấp độ dịch và những nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn để xây dựng và triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong tình hình mới.
Các ngành, các địa phương phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để ngăn chặn triệt để nguồn lây từ bên ngoài, tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ công dân từ vùng dịch trở về địa phương.
[Hà Nam, Gia Lai và Tây Ninh thích ứng an toàn với dịch COVID-19]
Các ngành, các địa phương yêu cầu, hướng dẫn người dân khai báo y tế kịp thời, trung thực cũng như thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung, cách ly và tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong ngày 21/10, tỉnh ghi nhận 21 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 11 ca tại các ổ dịch thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và huyện Thọ Xuân.
Như vâỵ tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 773 ca mắc COVID-19 trong đó có 502 người điều trị khỏi ra viện, 5 ca tử vong. Số bệnh nhân còn lại hiện đang điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa.
Buôn Ma Thuột ban hành văn bản hỏa tốc tăng chống dịch
Ngày 21/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản hỏa tốc về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trong những ngày qua.
Từ ngày 12/10 đến nay, thành phố Buôn Ma Thuột liên tiếp ghi nhận các ca bệnh, ổ dịch trong cộng đồng (32 ca, với 12 ổ dịch).
Do đó, trong thời gian chờ Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tạm thời quy định các biện pháp chống dịch.
Cụ thể, tạm dừng các hoạt động kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao như: vũ trường, massage, quán bar, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp, khu vui chơi trẻ em, sân vận động; các chợ tự phát và hoạt động bán hàng rong, buôn bán vỉa hè, vé số dạo; nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động văn hóa, giải trí tại các địa điểm công cộng; các cơ sở kinh doanh thể dục, thể thao trong nhà; không tổ chức các cuộc hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; trường hợp tổ chức hội nghị trên 20 người phải được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; không tập trung quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m, trường hợp cần thiết tổ chức phải được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (quán ăn, nhà hàng, càphê…) được phục vụ khách ăn uống tại chỗ và đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định, cụ thể: phục vụ không quá 10 người trong cùng một thời điểm, đối với cơ sở trên 150m2 phục vụ không quá 20 người trong cùng một thời điểm; bố trí mỗi bàn không quá 4 khách; bắt buộc quét mã QR để khách khai báo y tế điện tử hoặc lập sổ ghi chép thông tin khách hàng…
Tính đến ngày 21/10, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 2.756 ca mắc COVOD-19, trong đó có 1.782 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và có 22 ca tử vong./.