Trong 6 tháng đầu năm 2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thanh tra và kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động gần 14.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên cả nước, trong đó phát hiện gần 1.300 doanh nghiệp vi phạm.
Không chỉ có Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an cũng đã kiểm tra hơn 8.700 cơ sở, nâng tổng số doanh nghiệp được kiểm tra trên cả nước lên hơn 22.000 doanh nghiệp. Bộ Công an đã lập hơn 7.500 ban kiểm tra, xử phạt hành chính 474 trường hợp với số tiền phạt lên tới hơn 800 triệu đồng.
Không chỉ có Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an cũng đã kiểm tra hơn 8.700 cơ sở, nâng tổng số doanh nghiệp được kiểm tra trên cả nước lên hơn 22.000 doanh nghiệp. Bộ Công an đã lập hơn 7.500 ban kiểm tra, xử phạt hành chính 474 trường hợp với số tiền phạt lên tới hơn 800 triệu đồng.
[Tai nạn lao động: Trung bình 35 người chết mỗi tháng]
Đây là thông tin do ông Hà Tất Thắng Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết tại hội thảo tổng kết tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 15 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 2/7.
Ông Hà Tất Thắng cho biết thêm, chỉ riêng trong tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động diễn ra vào tháng 3, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức 4 đoàn thanh tra 71 doanh nghiệp tại 3 địa phương là Bắc Giang, Lạng Sơn và Thái Nguyên. Qua thanh tra, kiểm tra, thanh tra Bộ đã đưa ra hơn 600 kiến nghị đối với các doanh nghiệp và tiến hành xử phạt hành chính gần 280 triệu đồng.
Trong đợt hưởng ứng tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho hơn 365.000 người lao động. Trong đó, một số đơn vị triển khai thực hiện tốt việc tập huấn như: Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập được gần 950 lớp tập huấn, Hà Nội hơn 500 lớp, Vũng Tàu 214 lớp...
Theo các đại diện các địa phương, mặc dù các hoạt động hưởng ứng tuần lễ năm nay được triển khai phong phú và có một vài đổi mới nhưng chưa xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể, thiết thực hướng về các doanh nghiệp, cơ sở ở địa phương. Nhiều địa phương tổ chức hoạt động vẫn ít có sự cải tiến, đổi mới nên không tạo hấp dẫn với người lao động.
Mặc khác, một trong những hoạt động quan trọng là tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường trong thời gian diễn ra tuần lễ nhưng còn hạn chế về số lượng, chưa được duy trì thường xuyên nên hiệu quả bền vững chưa cao.
Đặc biệt, tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, khu vực miền núi và nông thôn, các hoạt động hưởng ứng tuần lễ còn hạn chế, chưa được doanh nghiệp và địa phương quan tâm.
Tại hội thảo, Thừa Thiên Huế đã được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức tuần lễ an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 16 vào tháng 3/2014.
Rút kinh nghiệm từ những tuần lễ trước, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế cho biết, tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ sẽ giảm bớt các hoạt động mít tinh, diễu hành, triển lãm, hội thảo… và thay vào đó là tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Chuẩn bị cho tuần lễ an toàn vệ sinh lao động năm 2014, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Việc tổ chức tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cần đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tập trung hướng về các cơ sở, doanh nghiệp. Trong tuần lễ năm sau, chúng ta cần kịp thời khen thưởng các doanh nghiệp, địa phương làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp.”/.
Hồng Kiều (Vietnam+)