Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

Việc để tồn đọng kiến nghị kiểm toán, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì chủ yếu vẫn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, do đó rất cần phải tháo gỡ những "điểm nghẽn" này kịp thời.

Việc kiến nghị kiểm toán bị “treo” với số tiền đọng lên tới hàng nghìn tỷ đồng là sự lãng phí, thất thoát nguồn lực lớn. (Ảnh: Vietnam+)
Việc kiến nghị kiểm toán bị “treo” với số tiền đọng lên tới hàng nghìn tỷ đồng là sự lãng phí, thất thoát nguồn lực lớn. (Ảnh: Vietnam+)

Thời gian qua, nhiều kiến nghị kiểm toán bị “treo” với số tiền đọng lên tới hàng nghìn tỷ đồng cùng với đó nhiều “điểm nghẽn” cơ chế, chính sách chưa được khơi thông. So sánh với nguồn thu ngân sách, đây có thể coi là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực lớn, khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn và nhu cầu đầu tư, phát triển rất lớn.

Gỡ “vướng” từ cơ chế

Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Mai chỉ ra các kiến nghị về cơ chế, chính sách từ niên độ kiểm toán năm 2019 trở về trước, song đến nay vẫn chưa được thực hiện, là một trong những “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ. Với những cơ chế, chính sách không đúng với quy định của Nhà nước và thực tiễn, bà nhấn mạnh cần phải được làm rõ, để có hướng xử lý phù hợp.

“Bởi, nếu đã sai mà không thực hiện ngay thì sẽ tiếp tục sai trong những năm sau,” bà Mai nói.

Việc để tồn đọng kiến nghị kiểm toán, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì chủ yếu vẫn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Điều này đã được các cơ quan, địa phương thẳng thắn thừa nhận và khẳng định sẽ tập trung quyết liệt để xử lý triệt để các kiến nghị “treo.”

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết Bộ đang và sẽ tiếp tục quyết liệt tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ để sớm hoàn thành các nội dung theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Về cơ chế, chính sách, Bộ Giao thông Vận tải đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị rà soát, xây dựng và trình cấp thẩm quyền ban hành đối với các chính sách còn thiếu, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, Bộ Giao thông Vận tải đang tích cực xử lý các thủ tục pháp lý, như khẩn trương và kịp thời phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh các phương án tài chính, chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong việc thực hiện quyết toán các dự án để làm cơ sở thực hiện kết luận kiểm toán.

“Đối với các nhà thầu không phối hợp thực hiện kiến nghị kiểm toán, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét không cho tham gia thực hiện các dự án do Bộ quản lý, cho đến khi thực hiện xong toàn bộ kiến nghị,” ông Lâm chia sẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương còn tồn đọng khá nhiều kiến nghị kiểm toán, ông Phan Văn Mãi-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết Thành phố đã lập một danh sách những nội dung cần làm ngay. Tuy nhiên, ông Mãi nhấn mạnh nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện kiến nghị kiểm toán cần phải được nâng lên một bước mới. Một nguyên nhân gốc rễ dẫn tới việc chậm trễ, không thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua là do “vướng” về cơ chế, chính sách.

Ông Phan Văn Mãi phản ánh quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn có sự không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan. Điều này làm cho quá trình thực hiện khác đi, chậm đi và chưa mang lại kết quả cuối cùng. Bởi, có những nội dung kiến nghị ở thời điểm kết luận là phù hợp, nhưng đến thời điểm hiện tại lại không khả thi.

Hà Nội cũng là địa phương có số kiến nghị chưa thực hiện khá lớn, sau khi tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho hay Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Thành ủy đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, đánh giá trực tiếp việc thực hiện nội dung này tại các cấp ủy Đảng, các đơn vị.

“Trên cơ sở kết luận của các đoàn kiểm tra, giám sát cũng như phân tích, nhận diện rõ các kiến nghị tồn đọng, Thành phố đã ban hành kế hoạch để triển khai, khắc phục những tồn tại trong tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán,” ông Hải cho biết.

1606tphcm.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương còn tồn đọng khá nhiều kiến nghị kiểm toán. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, ông Hà Minh Hải có chỉ ra một số điểm “vướng” về cơ chế. Như, việc áp dụng các quy định chung về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vào trường hợp cụ thể của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà có nhiều điều chưa phù hợp. Thêm vào đó, việc thiếu các quy định chung cần thiết để quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất đã tác động lớn đến quá trình hình thành, sử dụng, khai thác, vận hành và xử lý tài sản, ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ, nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Để có cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải nhà ở đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, trong đó có quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Về những ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay Ủy ban sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Trung ương kịp thời hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý các đề xuất, kiến nghị thuộc chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành, cơ quan.

“Ủy ban sẽ kiến nghị Chính phủ kịp thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước hay các nghị định, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành... Điều này sẽ giúp tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý tài chính công, tài sản công,” ông Mạnh cho biết.

Nâng “tầm” kiến nghị kiểm toán

Để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao, các ý kiến chung cho rằng cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, song trước tiên, kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo tính chính xác, thuyết phục.

Chia sẻ vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh thời gian qua ngành đã rất nỗ lực, cố gắng trong theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận dù ngành đã nỗ lực song kết quả đạt được chưa như mong đợi. Trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định sẽ cố gắng khắc phục các bất cập, hạn chế để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của ngành trong đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước khẳng định quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Ngô Văn Tuấn cho biết Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán đồng thời yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy trình, chuẩn mực, hướng dẫn của ngành, thực hiện đầy đủ các quy định của đoàn kiểm toán. Cơ quan Kiểm toán sẽ quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thu thập bằng chứng, ghi nhật ký kiểm toán…

“Mặt khác, Cơ quan Kiểm toán sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công khai, minh bạch trong hoạt động kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Như, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh: Công khai, minh bạch là ‘vũ khí’ hiệu quả nhất của hoạt động kiểm toán,” ông Tuấn cho biết.

Mọi giải pháp muốn thành công đều bắt nguồn từ yếu tố con người, trong đó người đứng đầu đóng vai trò then chốt. Để thực sự tạo chuyển biến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phát huy trách nhiệm trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Do đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, “kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở những cơ quan, đơn vị nào, cấp ủy và người đứng đầu quan tâm đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thì ở nơi đó kết quả thực hiện rất cao. Trên thực tế, có những địa phương ngay trong năm liền kề đã thực hiện 100% các kiến nghị kiểm toán”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục