Tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách cho Tây Ninh và Bình Phước

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh lãnh đạo Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Tây Ninh và Bình Phước trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thực hiện các Quyết định số 435 và 853/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, sáng 22/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì làm việc với tỉnh Bình Phước và Tây Ninh về các nội dung này.

Giải quyết 10 kiến nghị

Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tốc độ tăng trưởng (GRDP) 9 tháng của Bình Phước là 7,36%, đứng đầu vùng, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và Tây Ninh là 5,35%, đứng thứ 2 trong vùng, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cao hơn bình quân chung của cả nước 4,24%.

Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ, so với cùng kỳ năm trước, Bình Phước tăng 8,89%, Tây Ninh tăng 8,27%.

Hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục, tăng trưởng trở lại, tuy nhiên còn nhiều khó khăn: Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Phước đạt 3,350 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, tỉnh Tây Ninh đạt 4,830 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn của các địa phương đều giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ sự khó khăn của thị trường bất động sản, thu thuế giá trị gia tăng của khu vực đầu tư nước ngoài đạt thấp.

Thu ngân sách Nhà nước 10 tháng của tỉnh Bình Phước đạt 9.159 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, giảm 24% so với cùng kỳ; tỉnh Tây Ninh đạt 9.243 tỷ đồng, đạt 84,03% dự toán, giảm 8,54% so với cùng kỳ.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lũy kế hết tháng 10, các dự án còn hiệu lực của 2 địa phương đạt 14.311 triệu USD, Tây Ninh đứng thứ 15 và Bình Phước đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút FDI.

Số doanh nghiệp thành lập mới của 2 địa phương là 1.585 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 18.420 tỷ đồng.

ttxvn_2211_tran duy dong.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Các địa phương đều thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 cho 2 địa phương là: 11.486,275 tỷ đồng.

Các địa phương đã phân bổ chi tiết đến thời điểm báo cáo là 9.646,190 tỷ đồng và đã giải ngân đến hết tháng 10/2023 là 6.620,946 tỷ đồng, đạt khoảng 61,68%, cao hơn bình quân chung cả nước là 56,74%.

Trong số 30 nội dung kiến nghị đề xuất của hai địa phương, có 10 nội dung được giải quyết, 2 nội dung tiếp tục kiến nghị, 17 nội dung chưa được giải quyết.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, trong số 5 kiến nghị của tỉnh, đã có 3 kiến nghị được giải quyết.

Cụ thể, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, diện tích quy hoạch mỏ boxide trên địa bàn tỉnh Bình Phước rất lớn, 76.000ha.

Đến nay, Bộ Công Thương chưa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch.

Việc quy hoạch mỏ boxide với diện tích rộng, thời gian lâu dài nếu chưa đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân và việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; nhiều dự án, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dân sinh, sản xuất kinh doanh không thể triển khai.

ttxvn_2211_le van thanh.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Một kiến nghị khác của Bình Phước chưa được giải quyết là các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương chưa có hướng dẫn về phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các nhiệm vụ như cấp các chứng chỉ xuất xứ hàng hóa, điều chỉnh cục bộ khu công nghiệp, lao động, các thủ tục về môi trường trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư vào khu vực này.

Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Bình Phước nêu thêm kiến nghị mới, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu sửa đổi Nghị định số 10/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai), liên quan đến quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết hiện tỉnh có 15 kiến nghị chưa được giải quyết.

Trong số này có đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho địa phương 794 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án: Dự án Nâng cấp, Mở rộng Đường kết nối với Cửa khẩu Quốc tế Tân Nam (đoạn từ Đồn Biên phòng Tân Bình đến ngã ba giao ĐT.788 và ĐT.783); Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông - giai đoạn 2 và Dự án Xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Tân Nam.

Gỡ các vướng mắc

Nhìn vào danh sách tồn đọng 17 kiến nghị của hai địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh cần rà soát lại cho sát, đánh giá rõ và cụ thể.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý khi tiếp nhận kiến nghị của các địa phương, các bộ, ngành phải khẩn trương xử lý theo chức năng quản lý nhà nước, những nội dung không xử lý được phải báo cáo lại rõ ràng, không để tình trạng ghi vào báo cáo là “đang giải quyết" và kéo dài cả năm không có tiến triển, Phó Thủ tướng nói.

Với kiến nghị cụ thể của Tây Ninh về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, Phó Thủ tướng nêu rõ kiến nghị của địa phương là đúng, nhưng đáp ứng được không còn phải xem xét, thẩm quyền này thuộc về Quốc hội.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2023-2025 đã phân bổ xong nguồn vốn, chưa có chủ trương sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tại cuộc họp, các Bộ đã phản hồi, giải đáp rõ nhiều nội dung liên quan đến kiến nghị của các địa phương.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay Bộ đã tiếp thu ngay kiến nghị của Bình Phước về đấu giá quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất và có công văn hướng dẫn các địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn, Bộ đã trình Thủ tướng dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, Nghị định số10/2023/NĐ-CP. Qua đó, việc đấu giá đối với từng thửa đất sẽ được tháo gỡ chung.

Theo Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ đã dự thảo Thông tư hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, tháng 12/2023 sẽ ban hành.

Thống nhất với các nội dung phản hồi của các Bộ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và Tây Ninh cảm ơn Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, giải quyết các vấn đề của địa phương; trao đổi thêm một số thông tin liên quan.

Bày tỏ mong muốn được bố trí nguồn vốn triển khai các dự án Cửa khẩu Quốc tế Tân Nam, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm chia sẻ việc đầu tư dự án là nhiệm vụ chính trị, tỉnh phải đứng ra thực hiện.

Dự án đang triển khai các bước thủ tục và chuẩn bị đầu tư nhưng mới bố trí được một phần vốn.

Triển khai xong các hạng mục này mới khai trương được cửa khẩu, thực hiện các cam kết giữa Việt Nam và Campuchia trong hoạt động đối ngoại.

ttxvn_2211_le minh khai (2).jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đánh giá cao sự chuẩn bị của hai địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng mặc dù tình hình kinh tế những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, nhưng các ngành, các cấp, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tình hình kinh tế-xã hội các địa phương nói chung, hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh nói riêng đã có nhiều khởi sắc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến để tổng hợp tình hình liên quan đến hoạt động của Tổ công tác cùng với 25 tổ công tác khác báo cáo Thủ tướng Chính phủ được kịp thời.

Đề nghị các địa phương, bộ, ngành tập trung bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo Phó Thủ tướng, đối với những vấn đề nổi lên, Thủ tướng đều có chỉ đạo rất kịp thời.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, các địa phương cần tận dụng tối đa cơ hội, tiềm năng, thế mạnh để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội của năm.

Một lần nữa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đánh giá, phân loại các kiến nghị cho phù hợp, làm rõ kiến nghị nào đã giải quyết, chưa giải quyết được, lý do, thẩm quyền...

Phải làm đúng quy định pháp luật, có sự phối hợp, thống nhất trong chuỗi công việc để thực hiện nhanh nhất.

Lãnh đạo Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với địa phương trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về kiến nghị của Tây Ninh liên quan đến Khu công nghiệp Hiệp Thạnh, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh nội dung để trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 11/2023.

Nhận định việc đầu tư dự án Cửa khẩu Quốc tế Tân Nam vừa liên quan đến vấn đề đối ngoại, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng, cấp bách, Phó Thủ tướng gợi ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, nếu không trái quy định pháp luật thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương để triển khai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục