"Thế giới' mà Tổng thống George H.W.Bush tạo dựng nên như thế nào?

"Thế giới mà Tổng thống Mỹ George H.W.Bush tạo dựng nên"

Theo Richard N. Hâs, Chủ tịch Hội đồng quan hệ Đối ngoại Mỹ, thành tích trong chính sách đối ngoại của George H.W.Bush vượt trội so với bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới đương đại nào.
"Thế giới mà Tổng thống Mỹ George H.W.Bush tạo dựng nên" ảnh 1Cựu Tổng thống Mỹ George Herbert Walker Bush phát biểu tại một sự kiện ở Washington, DC, Mỹ, ngày 6/12/2002. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/11 (theo giờ Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã qua đời tại nhà riêng ở Houston, thọ 94 tuổi.

Tổng thống Bush “cha,” một người thuộc Đảng Cộng hòa, đã có 8 năm giữ cương vị Phó tổng thống trong suốt hai khóa cầm quyền của Tổng thống Ronald Reagan. Sau đó, ông tranh cử Tổng thống và trở thành người đứng đầu Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 1988. Tuy nhiên, khi tái tranh cử vào năm 1992, ông thất bại trước ứng cử viên Bill Clinton của Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, theo Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, tác giả cuốn sách "Một thế giới hỗn loạn: Chính sách Đối ngoại của Mỹ và cuộc khủng hoảng trật tự cũ," thành tích trong chính sách đối ngoại của chính quyền Bush là vượt trội so với thành tích của bất kỳ vị tổng thống Mỹ thời kỳ hiện đại nào cũng như của bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới đương đại nào.

Theo ông Richard N. Haass, nếu như tục ngữ nói "sai lầm của người đứng đầu làm hỏng cả tập thể" thì thành công của tập thể cũng là do công của người đứng đầu. Nước Mỹ đã trở nên thịnh vượng do nhiều đóng góp của vị tổng thống thứ 41 của mình, và nhiều người trên thế giới cũng được hưởng lợi từ ông. Chúng ta nợ ông một lời cảm ơn chung."

Bản dịch bài viết "Thế giới mà tổng thống George H.W.Bush tạo dựng nên" được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate. Quan điểm trong bài là của tác giả.

Sau đây là nội dung bài viết:

Tôi đã làm việc cho 4 đời tổng thống, thuộc cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, và có lẽ điều quan trọng nhất mà tôi học được trong suốt thời gian làm việc là có rất ít những gì mà chúng ta gọi là lịch sử là cái chắc chắn sẽ xảy ra. Những gì xảy ra trong thế giới này là kết quả của những gì người ta quyết định làm và quyết định không làm khi được trao cho thách thức lẫn cơ hội.

George H. W. Bush, vị tổng thống thứ 41 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đã được trao cho không chỉ phần thách thức và cơ hội của ông, và những gì được ghi nhận là hết sức rõ ràng: ông đã làm cho nước Mỹ và thế giới này tốt đẹp hơn rất nhiều so với khi ông mới bắt đầu gánh vác nó.

Tôi đã làm việc cho ông Bush trong suốt 4 năm cầm quyền tổng thống của ông. Tôi là thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển và thực hiện chính sách đối ngoại đối với khu vực Trung Đông, Vịnh Persic, Afghanistan, Ấn Độ, và Pakisstan. Tôi cũng được tham gia nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề khác liên quan đến chính sách.

Ông Bush là một con người thân thiện, xử sự đúng mực, đầu óc cởi mở, chu đáo, không thiên kiến, nhã nhặn, có nguyên tắc, và chân thật. Ông đánh giá cao đội ngũ quan chức dân sự và coi mình đơn thuần chỉ là vị tổng thống mới nhất trong danh sách dài các tổng thống Mỹ, một người tạm thời chiếm Phòng Bầu dục và là người chăm sóc nền dân chủ Mỹ.

[Tang lễ cố Tổng thống Mỹ Bush “cha” sẽ diễn ra dưới vòm điện Capitol]

Những thành quả trong chính sách đối ngoại của ông là rất nhiều và có ý nghĩa to lớn, bắt đầu từ việc kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh. Chắc chắn một điều, việc Chiến tranh Lạnh kết thúc liên quan rất nhiều đến nỗ lực phối hợp của phương Tây trong bốn thập kỷ ở tất cả các khu vực trên thế giới, đến thất bại của người Nga ở Afghanistan, đến những khiếm khuyết sâu xa bên trong hệ thống XôViết, đến những lời nói và việc làm của Mikhail Gorbachev. Nhưng tất cả những điều này hoàn toàn không có nghĩa là cuộc Chiến tranh Lạnh đã được định trước và sẽ kết thúc một cách nhanh chóng hay một cách hòa bình.

Điều này đã xảy ra, một phần do ông Bush rất nhạy cảm với hoàn cảnh khó xử của ông Gorbachev và sau này là của ông Boris Yeltsin. Ông đã thận trọng không tỏ thái độ hả hê hay ăn nói không giữ kẽ về thắng lợi của mình. Ông bị nhiều người chỉ trích về thái độ kiềm chế này, nhưng ông đã tìm cách không gây ra phản ứng theo kiểu dân tộc chủ nghĩa.

Ông cũng nhận được những gì mà ông muốn. Không ai đánh đồng sự thận trọng của ông Bush với thái độ nhút nhát cả. Ông vượt qua được thái độ miễn cưỡng, và đôi lúc là sự chống đối, của nhiều đồng nghiệp châu Âu, và đã thúc đẩy việc thống nhất nước Đức - và đem được sự thống nhất đó vào trong NATO. Đây là tài năng tột đỉnh của một chính trị gia.

Thành quả lớn khác trong chính sách đối ngoại của ông Bush là cuộc Chiến tranh vùng Vịnh. Ông coi việc Tổng thống Iraq Saddam Hussein xâm lược và chinh phục Kuwait là mối đe dọa không chỉ đối với các nguồn cung cấp dầu thiết yếu của khu vực, mà còn với cả thế giới hậu Chiến tranh Lạnh đang nổi lên. Ông Bush lo ngại rằng nếu hành động chiến tranh này không bị đáp trả, nó có thể khuyến khích thêm nhiều hỗn loạn khác.

Chỉ vài ngày sau khi xảy ra khủng hoảng, ông Bush tuyên bố rằng cuộc xâm lăng của Saddam là không được phép. Tiếp đó, ông tập hợp một liên minh quốc tế chưa từng có tiến hành các biện pháp trừng phạt và đe dọa sử dụng sức mạnh, điều nửa triệu lính Mỹ trên khắp thế giới cùng với hàng trăm nghìn binh lính của nhiều quốc gia khác tới giải phóng Kuwait chỉ trong vài tuần với con số thương vong hầu như không đáng kể cho Mỹ và liên minh. Đây là một trường hợp điển hình được đưa vào sách giáo khoa về việc chủ nghĩa đa phương có thể có hiệu quả như thế nào.

Còn có hai điểm khác đáng lưu ý ở đây. Thứ nhất, Quốc hội Mỹ khi đó không muốn hành động liên quan đến cuộc xâm lăng của Saddam. Cuộc bỏ phiếu cho phép thực hiện hành động quân sự ở Thượng viện gần như thất bại. Tuy nhiên, ông Bush đã sẵn sàng ra lệnh triển khai cái sau này trở thành Chiến dịch Bão táp Sa mạc mà không cần sự chấp thuận của quốc hội, do ông được hỗ trợ bởi luật pháp quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông là người có quyết tâm như vậy và giữ nguyên tắc như vậy.

Thứ hai, ông không cho phép mình dính sâu vào các sự kiện. Sứ mệnh chỉ là giải phóng Kuwait, chứ không phải giải phóng Iraq. Hoàn toàn nhận thức rõ những gì đã diễn ra trước đó 4 thập kỷ khi Mỹ và các lực lượng Liên hợp quốc mở rộng mục tiêu chiến lược của họ ở Triều Tiên và tìm cách thống nhất bán đảo này bằng vũ lực, ông đã chống lại những sức ép mở rộng mục tiêu của cuộc chiến tranh Kuwait.

"Thế giới mà Tổng thống Mỹ George H.W.Bush tạo dựng nên" ảnh 2Di hài của cố Tổng thống George H.W. Bush được đội tiêu binh danh dự đưa từ sân bay Ellington Field, thành phố Houston, tới căn cứ không quân Andrews ở bang Maryland ngày 3/12/2018. Linh cữu của ông được chuyên cơ Không lực 1 đưa từ Texas về thủ đô. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông lo ngại việc để mất lòng tin của các nhà lãnh đạo thế giới nếu ông làm như vậy với những hậu quả là tổn thất sinh mạng có khả năng gia tăng. Ông cũng muốn các chính phủ Arab khác đứng về phía ông nhằm cải thiện triển vọng cho nỗ lực hòa bình Trung Đông được khởi sự ở Madrid gần một năm sau đó. Một lần nữa, ông đủ cương quyết để chống lại bầu tâm lý đang thắng thế vào thời điểm đó.

Điều này không có nghĩa nói rằng ông Bush luôn luôn đúng. Cuộc Chiến tranh vùng Vịnh kết thúc trong hỗn loạn, khi ông Saddam tìm được cách tiếp tục bám vào quyền lực ở Iraq với việc đàn áp tàn bạo người Kurd ở miền bắc và người Shi'a ở miền nam. Một năm sau đó, chính quyền Bush đã tỏ ra chậm chạp trong việc phản ứng với tình trạng bạo lực ở khu vực Balkan. Điều này có thể đã giúp nhiều cho nước Nga vào những ngày đầu của kỷ nguyên hậu XôViết. Tuy nhiên, nhìn chung, thành tích trong chính sách đối ngoại của chính quyền Bush là vượt trội so với thành tích của bất kỳ vị tổng thống Mỹ thời kỳ hiện đại nào cũng như của bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới đương đại nào.

Một điều cuối cùng, ông Bush đã tập hợp được cái có thể coi là một êkíp an ninh quốc gia tốt nhất mà nước Mỹ từng có. Brent Scowcroft là tiêu chuẩn vàng trong số các cố vấn an ninh quốc gia. James Baker có thể coi là ngoại trưởng thành công nhất kể từ thời Henry Kissinger. Và cùng với họ còn có Colin Powell, Dick Cheney, Robert Gates, Larry Eagleburger, William Webster, và nhiều người khác có tầm nhìn và kinh nghiệm dày dạn.

Tất cả điều này đưa chúng ta trở lại với George H. W. Bush. Ông đã chọn con người. Ông định hướng sự việc và kỳ vọng. Ông lắng nghe mọi người. Ông nhấn mạnh vào tiến trình làm việc theo đúng thể thức. Và ông là người lãnh đạo.

Nếu như tục ngữ nói "sai lầm của người đứng đầu làm hỏng cả tập thể" thì thành công của tập thể cũng là do công của người đứng đầu. Nước Mỹ đã trở nên thịnh vượng do nhiều đóng góp của vị tổng thống thứ 41 của mình. Và nhiều người trên thế giới cũng được hưởng lợi từ ông. Chúng ta nợ ông một lời cảm ơn chung. Chúc ông yên nghỉ trong bình an./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục