Thế giới phản đối Triều Tiên về vụ thử hạt nhân

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ "vô cùng lo ngại" về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên sáng nay 25/5 và cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến họp khẩn cấp trong ngày hôm nay.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ "vô cùng lo ngại" về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên sáng nay 25/5 và cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến họp khẩn cấp trong ngày hôm nay.

Phát biểu trước báo giới trong chuyến công du Copenhagen (Đan Mạch), Tổng Thư ký Ban Ki-moon nêu rõ: "Tôi sẽ theo dõi sát tình hình tại khu vực cũng như các cuộc tham vấn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, dự kiến họp khẩn cấp trong ngày hôm nay".  Theo kế hoạch, cuộc họp bắt đầu vào 20h giờ GMT (3h sáng 26/5 giờ Việt Nam).
 
Trong phản ứng chính thức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố nêu rõ chính phủ nước này "kiên quyết phản đối" vụ thử hạt nhân nói trên của Triều Tiên. Tuyên bố nhấn mạnh Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân mới bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Triều Tiên tuân thủ cam kết đối với tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, dừng mọi hành động có thể làm tình hình xấu đi và quay trở lại bàn đàm phán 6 bên.
 
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố khẳng định vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gây leo thang căng thẳng trong khu vực và là "đòn đánh mạnh" vào những nỗ lực không phổ biến hạt nhân. Tuyên bố cũng nhấn mạnh đàm phán 6 bên là giải pháp duy nhất cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
 
Chính phủ Đức cũng lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, coi đây là hành động đe dọa sự ổn định trong khu vực. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Jens Ploetner nói rằng việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân nói trên là vi phạm những nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua và có thể kích động căng thẳng gia tăng ở khu vực. Chính phủ Đức kêu gọi Bình Nhưỡng "kiềm chế không tiến hành những hành động khiêu khích như vậy".
 
Trong khi đó, ông Yasuo Sekita thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết rung động địa chấn đo được tại khu vực xung quanh nơi Triều Tiên thử hạt nhân ngày 25/5 có cường độ 5,3 độ richter, trong khi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2006 có cường độ 4,9 độ richter. Điều này có nghĩa là mức năng lượng giải phóng trong vụ thử hạt nhân lần này cao gấp 4 lần so với vụ thử năm 2006.
 
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng sức công phá của vụ thử lần này vào khoảng 20 kilôtôn (khoảng 20 nghìn tấn thuốc nổ TNT), trong khi vụ thử năm 2006 có sức công phá chưa đến 1 kilôtôn.
 
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kohei Masuda cho biết bộ này sẽ lấy mẫu không khí trong vùng trời Nhật Bản để xác định có chất phóng xạ trong không khí sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên sáng 25/5 hay không.
 
Báo chí Nhật Bản dẫn lời các quan chức Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) cho biết các máy bay huấn luyện T-4, được trang bị máy lấy mẫu bụi, có thể xuất phát từ các căn cứ của ASDF ở các tỉnh Aomori, Ibaraki và Fukuoka. Máy bay T-4 đã được sử dụng vào nhiệm vụ tương tự khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân tháng 10/2006.
 
Trong một diễn biến khác liên quan, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung cho biết, từ ngày 26/5, Seoul không cho phép công dân Hàn Quốc tới Triều Tiên, ngoại trừ khu công nghiệp Kaesong, vì những lý do an toàn sau vụ thử hạt nhân trên./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục