Ông Phạm Vĩnh Phong, Phó trưởng phòng kế hoạch tài chính-Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, năm 2013, Thủ tướng đã đồng ý phân bổ 350 tỷ đồng cho 11 tỉnh để triển khai thực hiện 11 dự án trong danh mục dự án đã được phê duyệt về hỗ trợ xây dựng chiến lược khí hậu địa phương (viết tắt SP-RCC). Theo đó, ngân sách đầu tư này sẽ áp dụng tập trung cho 5 dự án thuộc tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 2 dự án thuộc tỉnh Tây Nguyên, 2 dự án thuộc các tỉnh miền Trung và 2 dự án cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, số vốn sẽ hỗ trợ cho công tác lồng ghép quản lý thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; xây dựng các sáng kiến phòng ngừa thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng đồng thời chi thêm cho các dự án giảm nhẹ thiên tai tại các vùng đồng bằng chịu lũ. Dự án cũng sẽ dành tiền hỗ trợ các giải pháp xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính; các dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng và hệ sinh thái, phục hồi đa dạng sinh học… Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Tài chính cho Biến đổi khí hậu tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (11/6) tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ về hợp tác, điều phối và chia sẻ thông tin ký ngày 18/11/2011 giữa Cục khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với nhóm công tác về biến đổi khí hậu của tổ chức phi chính phủ (CCWG), mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và biến đổi khí hậu (VNGO và CC). Báo cáo đánh giá của Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu quốc tế ngay từ những thời gian đầu. Cùng với sự ra đời của chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2008, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2011 và một loạt những kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang là một trong những nước đi đầu trong việc có những nỗ lực thúc đẩy các hành động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong những năm vừa qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức dân sự (CSO) tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu,đặc biệt ở cấp cơ sở và tại những vùng sâu vùng xa. Bà Vũ Thị Bích Hợp, đại diện mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và Biến đổi khí hậu (VNGO và CC) cho biết, với nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế, trong năm qua, các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ các cộng đồng, đặc biệt các cộng đồng nghèo, vùng sâu, vùng xa, xây dựng năng lực để họ có khả năng chủ động hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững. Trong năm 2013, Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cùng với mạng lưới các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các hoạt động đồng tổ chức một số diễn đàn dự kiến tập trung vào ba chủ đề chính: Tăng cường hiệu quả quản lý và tuyên truyền cho trồng rừng và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển; thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; tài chính khí hậu. “Các tổ chức phi chính phủ hy vọng sẽ tiếp tục nhận được nguồn tài chính lớn hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, khu vực tư nhân và chính phủ để có thể nhân rộng mô hình ra nhiều vùng trên cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, các vấn đề an toàn xã hội và giảm nhẹ phát thải nhà kính ở Việt Nam,” bà Hợp nêu rõ.
Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2013: Năm 2010: Tổng số khoảng 138 triệu USD (JICA-Nhật Bản: 110 triệu USD, ADF-Pháp: 28 triệu USD) Năm 2011: Tổng số khoảng 142,5 triệu USD (JICA: 110 triệu USD, AFD:28 triệu USD, CIDA-Canada: 4,5 triệu USD) Năm 2012: Tổng số khoảng 136 triệu USD (AFD: 28 triệu USD, WB: 70 triệu USD, Úc: 8 triệu USD, Hàn Quốc: 30 triệu USD). Năm 2013: Đã giải ngân 248 triệu USD (JICA: 178 triệu USD, WB: 70 triệu USD và các nhà tài trợ khác đang xem xét.)/. |
Thanh Tâm (Vietnam+)