Thị trường nông sản trong tuần qua: Giá lúa tại ĐBSCL ổn định

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định, không có nhiều biến động như ở Sóc Trăng, hầu hết các loại lúa đều giữ nguyên giá, trong đó OM 5451 là 6.800 đồng/kg.
Thị trường nông sản trong tuần qua: Giá lúa tại ĐBSCL ổn định ảnh 1Thu hoạch lúa. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định, không có nhiều biến động.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy tại Sóc Trăng, hầu hết các loại lúa đều giữ nguyên giá như OM 5451 là 6.800 đồng/kg, ST 24 là 8.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 cũng giữ ổn định ở mức 7.200 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá lúa vẫn có sự ổn định như lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.

Giá lúa tại Hậu Giang cũng không có sự biến động như IR 50404 là 6.500 đồng/kg, OM 18 là 6.800 đồng/kg, RVT là 8.200 đồng/kg.

Tại An Giang, lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.700-5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức từ 5.400-5.500 đồng/kg; OM 18 từ 5.700-5.900 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 5.600-5.800 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.400-5.500 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi từ 5.800-5.900 đồng/kg; nếp tươi Long An từ 6.100-6.300 đồng/kg; nếp An Giang khô từ 7.500-7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa IR 40404 vẫn ở mức 6.500 đồng/kg, OM 5451 là 6.800 đồng/kg. Lúa IR 50404 tại Đồng Tháp là 6.400 đồng/kg.

Sau khi phục hồi nhẹ, tuần qua, giá lúa tại Bến Tre ghi nhận sự ổn định như OM 5451 là 5.800 đồng/kg, OM4218 là 5.800 đồng/kg, OM 6976 ở giá 5.900 đồng/kg, IR 50404 ở mức 5.700 đồng/kg.

[Giá lúa ở ĐBSCL ổn định, giá càphê nhân xô tại Tây Nguyên giảm nhẹ]

Vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2022, tỉnh Đồng Tháp có nhiều công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với diện tích 60.000ha, sản lượng tiêu thụ trên 400.000 tấn. Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 3-8 triệu đồng/ha/vụ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững. Các công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ theo mô hình sản xuất quy mô lớn; tăng cường hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

Về sản xuất vụ Thu Đông, đến cuối tháng 7/2022, thành phố Cần Thơ đã xuống giống được 65.028ha, đạt 111% so với kế hoạch và thấp hơn 2.666ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện lúa chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, sinh trưởng và phát triển tốt.

Tại An Giang, tỉnh này đề ra kế hoạch sẽ gieo cấy 154.686ha lúa Thu Đông và khuyến cáo nông dân khung lịch thời vụ xuống giống vụ trước 31/8 tới. Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang khuyến cáo các giống lúa OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900… do thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng; nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương như Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM 448, OM 418...

Kế hoạch đăng ký từ các doanh nghiệp cho thấy, vụ Thu Đông, An Giang có tổng diện tích liên kết tiêu thụ 65.500ha, chiếm 42,34% diện tích kế hoạch xuống giống với sự tham gia liên kết của 14 công ty và doanh nghiệp.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 395-400 USD/tấn so với mức từ 395-413 USD/tấn trong tuần trước đó. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt động mua bán vẫn trầm lắng do giá gạo Việt Nam vẫn cao hơn so với giá của các nước xuất khẩu khác.

Thị trường nông sản trong tuần qua: Giá lúa tại ĐBSCL ổn định ảnh 2Dây chuyền sản xuất gạo xuất khẩu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Số liệu sơ bộ cho thấy khoảng 134.250 tấn gạo được “chất” lên tầu ở cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong nửa đầu tháng 8/2022; trong số đó phần lớn sẽ được vận chuyển đến Philippines và châu Phi.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng cao trong tuần qua do lượng mưa ít ở các vùng trồng trọt quan trọng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 364-370 USD/tấn, tăng so với mức từ 362-368 USD/tấn trong tuần trước.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, cho biết thị trường đang cố gắng điều chỉnh để giảm mức độ thiệt hại về sản lượng.

Trong khi đó, trong báo cáo mới nhất của mình, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản lượng từ nước láng giềng Bangladesh, hiện đang cố gắng “lấp đầy” các kho dự trữ bị cạn kiệt do lũ lụt, có thể giảm 1% xuống 35,6 triệu tấn trong năm tính đến tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Sự thiếu hụt này có thể cản trở nỗ lực của Bangladesh trong việc kiềm chế giá trong nước gia tăng, cùng với kế hoạch cho phép các tư thương nhập khẩu gạo gần đây, đặc biệt là từ Ấn Độ, không thu hút được nhiều người mua do đồng nội tệ mất giá so với đồng USD.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ 400 USD/tấn trong tuần trước lên từ 412-425 USD/tấn do giá giao trên tàu (FOB) cao hơn trong bối cảnh nhu cầu tăng. Một thương nhân tại Bangkok cho biết dự kiến vào tuần tới sẽ có nguồn cung mới.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 5/8 vừa qua, giá các loại nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) biến động trái chiều, với giá ngô tăng, còn giá đậu tương và giá lúa mỳ giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 3,75 xu Mỹ (0,62%) lên 6,1 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2022 giảm 9 xu Mỹ (0,63%) xuống 14,0875 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 9/2022 giảm 6,75 xu Mỹ (0,86 xu Mỹ) xuống 7,7575 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).

Thị trường nông sản trong tuần qua: Giá lúa tại ĐBSCL ổn định ảnh 3Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khối lượng giao dịch ở mức trung bình trong bối cảnh ít người muốn tăng thêm rủi ro trước dịp cuối tuần. Bên cạnh đó, các nhà giao dịch đang chờ đợi báo cáo vụ mùa tháng 8/2022 từ USDA, dự kiến công bố ngày 12/8 tới.

USDA báo cáo khoảng 264.000 tấn đậu tương của vụ mùa mới đã được bán cho thị trường Trung Quốc và các điểm không xác định.

Cơ quan này cũng đã xác nhận có thêm ba tàu, chở tổng cộng 58.000 tấn ngũ cốc, đã rời các cảng của Ukraine và hiện đang trên đường đến Istanbul. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine ngày 5/8 vừa qua tuyên bố rằng xuất khẩu lúa mỳ vụ mới có thể bắt đầu qua Biển Đen vào tháng 9/2022.

Nắng nóng và khô hạn đang diễn ra trên khắp vùng Đồng bằng và Tây Midwest. Dự báo sẽ có mưa rào rải rác ở phía đông bắc Iowa vào đầu tuần tới.

Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London giao dịch trái chiều; trong đó giá càphê Robusta giao tháng 9/2022 giảm 2 USD, xuống 2.043 USD/tấn, còn giá càphê Robusta giao tháng 11/2022 tăng 1 USD, lên 2.042 USD/tấn và giao tháng 1/2023 tăng 1 USD lên 2.011 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York sụt giảm, trong đó giá càphê Arabica giao tháng 9/2022 giảm 9,85 xu Mỹ xuống 209,45 xu Mỹ/lb và giá càphê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 9,35 xu Mỹ xuống 206,40 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch ở mức hiếm thấy.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên không thay đổi, vẫn dao dộng trong khung 41.000-41.600 đồng/kg.

Giá càphê Arabica đảo chiều lao dốc do hoạt động thanh lý của các Quỹ và giới đầu cơ trước áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 9/2022 tại New York đã gần kề.

Theo các nhà quan sát, hoạt động thanh lý của các Quỹ và giới đầu cơ khá mạnh tay còn do áp lực của chỉ số đồng USD quay đầu giảm nhẹ và báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ có kết quả vượt xa dự đoán, điều này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn dư địa để tăng lãi suất mạnh tay hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục