Thị trường nông sản tuần qua: Một số loại lúa có sự tăng, giảm

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định, tuy nhiên có một số loại lúa ở một vài tỉnh có sự tăng/giảm so với tuần trước.
Thị trường nông sản tuần qua: Một số loại lúa có sự tăng, giảm ảnh 1Thu hoạch lúa ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định, tuy nhiên có một số loại lúa ở một vài tỉnh có sự tăng/giảm so với tuần trước.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa vẫn có sự ổn định như lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg.

Tại Bến Tre, giá lúa lại không có sự thay đổi như IR 50404 là 5.800 đồng/kg; OM4218 là 5.900 đồng/kg; OM 6976 là 5.900 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, một số loại lúa giá vẫn giữ ổn định như ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg; riêng OM 5451 là 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Một số loại lúa tại Hậu Giang có sự thay đổi so với tuần trước như IR 50404 là 6.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg;  RVT là 8.700 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; riêng OM 18 giữ nguyên là 7.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, giá một số loại lúa trên địa bàn tỉnh có sự tăng giá như IR 50404 ở mức từ 5.400-5.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.700-5.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Các loại khác giá vẫn ổn định như lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.800-6.000 đồng/kg, OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg; OM 18 từ 5.800-5.900 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động như Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ Hè Thu, các địa phương phía Nam đã xuống giống 1.290.000ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 1.150.200ha, tăng 5,9%; trong đó đã thu hoạch 73.700ha với sản lượng khoảng 441.500 tấn.

Một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu thu hoạch trà sớm như Long An đã thu hoạch được 38.000ha; Đồng Tháp thu hoạch được 30.000ha…

[Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa giảm, gạo lại tăng] 

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức từ 420-425 USD/tấn, tăng từ mức 415-420 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân nói: "Các thương nhân đang tăng cường thu mua ngũ cốc từ nông dân để chuẩn bị cho các hợp đồng sắp tới."

Trong tháng Năm vừa qua, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 800.000 tấn với giá trị đạt 386 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,86 triệu tấn và 1,39 tỷ USD, tăng 10,3% về khối lượng nhưng giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2022 đạt 489 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 với 41,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 915.500 tấn và 422,2 triệu USD, tăng 28,3% về khối lượng và tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Hoa Kỳ, tăng 62,6%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Gana, giảm 39,2%.

Không chỉ Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tại các nước sản xuất gạo hàng đầu châu Á tăng trong tuần này nhờ nhu cầu mạnh mẽ, trong khi Bangladesh bắt đầu chiến dịch truy quét những đối tượng tích trữ ngũ cốc bất hợp pháp khi giá tăng cao ở thị trường nội địa.

Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo đồ 5% tấm tăng lên mức từ 355-360 USD/tấn, cao hơn so với tuần trước.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết: "Người mua đang hướng tới nguồn cung gạo từ Ấn Độ vì giá cả cạnh tranh hơn so với nguồn cung từ Thái Lan và Việt Nam."

Theo nguồn tin thương mại và chính phủ trong tuần vừa qua, Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo vì nước này có đủ dự trữ và tỷ giá trong nước thấp hơn mức giá hỗ trợ do nhà nước ấn định.

Tại Bangladesh, các quan chức cho biết chính phủ đã phát động chiến dịch truy quét những đối tượng tích trữ gạo trên toàn quốc giữa bối cảnh giá cả nội địa tăng mạnh trong mùa cao điểm.

Giá gạo trong nước của Bangladesh đã tăng hơn 5% trong tuần, điều mà các quan chức đổ lỗi cho việc các thương nhân tích trữ đã tạo ra một cuộc khủng hoảng giá nhằm kiếm lợi nhuận. Đầu tuần này, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã ra lệnh trấn áp hoạt động tích trữ gạo bất hợp pháp.

Thị trường nông sản tuần qua: Một số loại lúa có sự tăng, giảm ảnh 2Gia gao Thai Lan va An Do cao nhat trong hon 8 thang hinh anh 1Một cửa hàng bán gạo ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đứng ở mức từ 455-460 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 450 USD/tấn của tuần trước, mà các thương nhân cho là do nhu cầu trong nước và quốc tế tăng nhẹ.

Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết: "Nhu cầu cao từ Iraq, điều này làm tăng hoạt động của thị trường." Một thương nhân khác cho biết nguồn cung gạo vẫn còn dồi dào.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 3/6, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) đều giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2022 giảm 3,25 xu Mỹ (tương đương 0,45%) xuống 7,27 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 18,25 xu Mỹ (1,72%) xuống 10,4 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 7/2022  giảm 31,5 xu Mỹ (1,82%), xuống 16,9775 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).

Điều phối viên của Liên hợp quốc về Ukraine Amin Awad cho rằng cần tiến hành thêm nhiều cuộc thương lượng để đạt được thỏa thuận xuất khẩu hàng hóa từ Nga như một phần trong trong kế hoạch đã được thống nhất nhằm khôi phục xuất khẩu thực phẩm của Ukraine.

Trong cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sỹ) ngày 3/6, ông Awad cho biết đã đạt được sự thống nhất trên nguyên tắc từ Nga về vấn đề này, nhưng cần có thêm các cuộc đàm phán để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Nga.

Trong tuyên bố một ngày trước đó, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng sớm đẩy lùi cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các cuộc thương lượng về bất kỳ thỏa thuận nhằm gỡ bỏ lệnh chặn các lô hàng xuất khẩu như ngũ cốc vẫn chưa có kết quả.

Thị trường càphê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7/2022 giảm thêm 5,85 xu Mỹ, xuống 232,40 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm thêm 5,70 xu Mỹ, còn 232,55 xu Mỹ/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Tong khi đó, sàn ICE Europe-London tiếp tục đóng cửa nghỉ Lễ Bạch Kim (Mừng 70 năm trị vì của Nữ Hoàng Anh (Platinum Jubie), không giao dịch.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên không thay đổi, vẫn dao dộng trong khung 41.600-42.100 đồng/kg.

Giá càphê Arabica tại New York sụt giảm trở lại do nhà đầu tư tiếp tục chốt lời ngắn hạn và thanh lý sau đợt mua ròng liên tiếp khá mạnh tay trước đó, vì lo ngại thời tiết giá lạnh tại các vùng trồng cà phê Arabica chính ở phía Đông Nam Brazil.

Không chỉ riêng giá càphê sụt giảm mà thị trường hàng hóa nguyên liệu nói chung thiếu sức đầu cơ khi chỉ số đồng USD (USDX) tiếp nối đà tăng khiến các tiền tệ mới nổi tiếp tục mất giá đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán cà phê vụ mới hiện đang thu hoạch. (1 USD = 4,7780 real Brazil)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục