Thị trường Tết: Không lo thiếu các sản phẩm thịt

Do ngành chăn nuôi đang dần hồi phục, các sản phẩm của chăn nuôi từ gia súc, gia cầm sẽ đảm bảo đủ để phục vụ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Hoạt động chăn nuôi đang dần hồi phục, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm sẽ đảm bảo đủ để phục vụ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2014; một số sản phẩm như trứng, thịt gia cầm thời gian trước Tết Nguyên đán còn có dấu hiệu cung vượt cầu.

Bên cạnh đó, nếu có sự quản lý tốt của ngành công thương về mặt thị trường và công tác chống buôn bán nhập lậu thì khó có sự biến động về giá và không lo thiếu hàng đối với các sản phẩm của chăn nuôi.

Ngày 7/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc họp tổng kết công tác điều hành ngành chăn nuôi năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014.

Nhiều khó khăn

Đánh giá chung về sự phát triển của ngành chăn nuôi trong năm qua, Cục Trưởng

Cục Chăn Nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, chăn nuôi là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 6 tháng đầu năm do giá bán sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm, giá các loại thức ăn biến động mạnh, luôn ở mức cao và sự cạnh tranh của hàng nhập lậu nên hàng tồn kho lớn. Doanh nghiệp và người chăn nuôi bị thua lỗ, giảm đầu tư.

Mặt khác, việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu giá rẻ và gia cầm, gia súc sống nhập lậu qua biên giới còn nhiều khó khăn, bất cập. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi và chi phí dịch vụ thú ý còn cao chiếm khoảng 5-10% giá trị của sản phẩm.

Bên cạnh đó, mức độ canh tranh sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước với sản phẩm cùng loại (đặc biệt là thịt nhập khẩu) ngày càng khốc liệt hơn khi Việt Nam ký Hiệp định TPP dự kiến vào đầu năm 2014 và Hiệp định AFTA vào năm 2015.

Phát biểu tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng cho rằng, tham gia TPP, ngành tổn thương đầu tiên là chăn nuôi, đặc biệt đối với các sản phẩm thịt bò và gia cầm.

“Khi so sánh giá trong nước vẫn còn ở mức cao so với mức giá của thị trường thế giới, nếu chúng ta không chuẩn bị thích nghi và điều hành chính sách phát triển thì sẽ bị thua ngay trên sân nhà,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, bên cạnh những khó khăn thách thức trên, trong năm qua ngành chăn nuôi cũng có nhiều thuận lợi và thế mạnh như nguồn tiêu thụ ổn định trong nước và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, thú y.

Thị trường Tết: Không lo thiếu các sản phẩm thịt ảnh 1Cơ sở giết mổ gia cầm tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn tình trạng nhập lậu nên đã kịp thời tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Chăn nuôi hồi phục

“Mặc dù gặp nhiều khó khăn dịp đầu năm, nhưng từ tháng 7 đến nay, sản xuất chăn nuôi đang được hồi phục. Sự hồi phục này đang được sự hỗ trợ bền vững bởi thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán các sản phẩm có xu hướng tăng,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cho hay.

Cụ thể, ước tính đến tháng 10/2013, tổng sản lượng thịt các loại tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng cuối năm tốc độ tăng trưởng về sản lượng các loại thịt xuất chuồng cao hơn so với các tháng trước đó, đưa sản lượng thịt hơi các loại năm 2013 ước đạt 4,3 triệu tấn, tăng 1,49% so với năm 2012.

Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,2 triệu tấn, tăng 1,8%; sản lượng thịt gia cầm hơi giết bán đạt 746,9 nghìn tấn, tăng 2,4%; sản lượng thịt trâu hơi đạt 85,3 nghìn tấn, giảm 3,5%; bò hơi đạt 285,4 nghìn tấn, giảm 2,9% so với năm 2012.  

Mặt khác, công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh cũng được tăng cường nên đã phát hiện và khống chế tốt dịch bệnh, không để xảy ra trên phạm vi lớn.

Phát biểu chỉ đạo kế hoạch phát triển ngành trong năm 2014, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám yêu cầu, Cục tăng cường hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tái cơ cấu sản xuất ngành chăn nuôi trên cơ sở nghiên cứu, cải tạo đàn giống vật nuôi; tiếp tục nhập khẩu và chọn tạo đàn giống gia súc, gia cầm thích hợp cho mỗi vùng sinh thái; thực hiện chính sách đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm giống gốc…

“Từng bước tái cấu trúc ngành theo hướng phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao.

Kuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn và gia súc lớn,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tăng cường dịch vụ thú y; quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y; áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị; bố trí đủ nguồn lực để chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Mặt khác, để phát triển ngành bền vững, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh Cục tập trung chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu và đưa vào áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường./.

Ước cả năm 2013, đàn gia cầm có 314,7 triệu con, tăng 2,04% (trong đó đàn gà 231,8 triệu con, tăng 3,6%). Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,33 triệu tấn tăng 1,5%.

Trứng và sữa tươi là những sản phẩm có tăng trưởng khá mạnh, lần lượt là 10,3% và 10,5%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt 13,6 triệu tấn, tăng 7,1% so với năm 2012.

Mục tiêu phát triển ngành trong năm 2014 đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất khoảng 5,0-5,5%, quy mô đàn gia cầm tăng 5,5%, đàn lợn tăng 1,0%; sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,6 triệu tấn, tăng 4,0%; sản lượng trứng 9,1 tỷ quả, tăng trên 12%; sữa tươi 473 nghìn tấn, tăng 11,3%; thức ăn chăn nuôi công nghiệp 14,5 triệu tấn, tăng 6,6%.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục