Thiết bị viễn thông của Viettel vào danh sách uy tín của Gartner

Viettel High Tech - Nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông đầu tiên tại Đông Nam Á có sản phẩm thiết bị viễn thông 5G được xếp hạng vào danh sách Peer Insights của Gartner.
Thiết bị viễn thông của Viettel vào danh sách uy tín của Gartner ảnh 1Việc xuất hiện trong danh sách của Gartner khẳng định vị thế Viettel High Tech là một nhà cung cấp toàn cầu. (Ảnh: Viettel)

Trong tháng 10/2022, bộ 3 sản phẩm 5G gNodeB (Trạm thu phát sóng 5G), vOCS 4.0 (Hệ thống tính cước thời gian thực 4.0 cho mạng 5G) và 5G Core (Mạng lõi 5G) của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) vừa được Gartner - Công ty nghiên cứu và tư vấn Công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa vào danh sách đánh giá các sản phẩm quốc tế uy tín - Gartner Peer Insights (GPI).

Viettel High Tech là nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông đầu tiên tại Đông Nam Á có sản phẩm thiết bị viễn thông 5G được xếp hạng vào danh sách Peer Insights của Gartner. 

Theo đó, 5G gNodeB được xếp hạng trong nhóm sản phẩm Mạng truy cập vô tuyến 5G, vOCS 4.0 thuộc mục Giải pháp quản lý doanh thu, 5G Core đứng trong danh mục Mạng lưới thông tin doanh nghiệp.

Một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nổi tiếng thế giới cũng đang trong danh sách của Gartner, bao gồm: Ericsson, Nokia, Samsung, Huawei, FiberHome Telecommunication Technologies…

Việc xuất hiện trong danh sách của Gartner đã khẳng định sản phẩm của VHT đáng tin cậy, đồng thời khẳng định vị thế VHT là một nhà cung cấp toàn cầu không chỉ là nhà cung cấp nội địa.

Với bước khởi đầu này, Viettel High Tech tham vọng thẳng tiến vào Magic Quadrant - danh sách các đánh giá các nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông (vendor), sản phẩm dịch vụ uy tín của Gartner, cung cấp thông tin giúp khách hàng đưa ra các quyết định sử dụng các dịch vụ, sản phẩm thiết bị viễn thông, sánh ngang với vendor (nhà cung cấp) hàng đầu thế giới.

Để làm được điều đó, VHT sẽ phải chứng minh khả năng đáp ứng 2 tiêu chí đánh giá về các cơ sở hạ tầng mạng 5G gồm: Khả năng thực hiện (sản phẩm/dịch vụ có đa dạng, cạnh tranh không; khả năng tồn tại tổng thế, khả năng đáp ứng thị trường…); Sự hoàn thiện về tầm nhìn (hiểu biết thị trường, chiến lược marketing, chiến lược cung cấp sản phẩm, chiến lược chiều dọc, chiến lược địa lý).

[Viettel giành 4 giải thưởng hàng đầu của Vietnam Digital Awards 2022]

Trạm 5G gNodeB của Viettel nghiên cứu sản xuất hiện đã được triển khai tại 5 tỉnh thành Việt Nam với tổng gần 300 trạm. vOCS phiên bản 4.0 cho mạng 5G hiện đã hoàn thành thử nghiệm trên 1 triệu thuê bao, trước đó, các phiên bản cho mạng 3G, 4G hiện đang phục vụ taị 11 quốc gia với quy mô dân số trên 300 triệu.

Thiết bị 5G Core đã  được đưa vào mạng lưới Viettel và đổ tải thành công hơn 250.000 thuê bao. Bộ 3 sản phẩm này là các thành phần quan trọng xây dựng hạ tầng mạng viễn thông mà Viettel đã công bố làm chủ công nghệ toàn phần.

Ông Nguyễn Vũ Hà, CEO Viettel High Tech chia sẻ: "Trước đó, hầu hết các chuyên gia của Gartner đều chỉ biết tới vai trò của Viettel như một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (operator). Sau các buổi giới thiệu năng lực sản phẩm chuyên sâu với các chuyên gia phân tích hàng đầu của Gartner về 5G Network Infrastructure, 5G RAN, Private Mobile Network,..., nhóm chuyên gia khá bất ngờ trước năng lực của Viettel như một nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông."

Với chiến lược dài hạn của Viettel là trở thành nhà cung cấp trong nhóm "Niche Player" vào năm 2025 và nhà cung cấp thuộc nhóm "Visionaries" vào năm 2030" thuộc báo cáo Gartner Magic Quadrant for 5G Network Infrastructure for Communications Service Providers, ông Nguyễn Vũ Hà đánh giá: "Việc Gartner đưa các sản phẩm R&D của Viettel vào Peer Insights sẽ thúc đẩy cơ hội phát triển và định vị thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm của VHT, tạo đà đạt được các mục tiêu chiến lược chúng tôi đã đặt ra."

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục