Thiếu hành lang pháp lý, hàng nghìn xe điện 4 bánh thả sức chạy "chui"

Hàng nghìn xe 4 bánh vẫn đang hoạt động “chui” vì chưa thể đăng ký, đăng kiểm do rào cản về các hành lang pháp lý, công tác quản lý đang gặp nhiều khó khăn.
Thiếu hành lang pháp lý, hàng nghìn xe điện 4 bánh thả sức chạy "chui" ảnh 1Hàng nghìn xe điện 4 bánh được thí điểm vẫn đang hoạt động “chui” vì thiếu đăng ký, đăng kiểm. (Ảnh: TTXVN)

Theo đại diện các cơ quan chức năng, sau một thời gian thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, loại hình này đã mang lại hiệu quả tại một số địa phương về vận tải hành khách du lịch.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, có tới gần 90% số xe vẫn đang hoạt động “chui” vì chưa thể đăng ký, đăng kiểm do rào cản về các hành lang pháp lý chỉ mang tính chất tạm thời, chưa chặt chẽ​, đã dẫn đến công tác quản lý đang gặp nhiều khó khăn.

Hàng nghìn xe lưu hành “chui”

Tại Hội nghị Sơ kết đánh giá triển khai thực hiện thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện sáng 22/3, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 địa phương gồm Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hẹp. Hiện nay, có 3 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Quảng Nam tiếp tục đề xuất cho phép thực hiện.

Theo đánh giá của ông Ngọc, cả nước có tổng số khoảng 40 doanh nghiệp với số lượng khoảng 1.300 xe điện 4 bánh đang hoạt động khai thác phục vụ khá tốt nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hạn chế. Phương tiện này ít gây ô nhiễm, thay thế xe ngựa, xe ôm, xe đạp, xích lô… tốc độ di chuyển thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông, chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến loại xe này.

“Tuy nhiên, loại phương tiện này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ… đều gặp khó khăn cho cả cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện,” ông Ngọc thừa nhận.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ tỏ ra băn khoăn khi Luật Giao thông đường bộ chưa đưa đối tượng này vào diện quản lý. Đề án thí điểm xe điện 4 bánh được giao cho địa phương phê duyệt, quản lý quy định hoạt động trong phạm vi hẹp nhưng đến nay cũng chưa có định nghĩa phạm vi hẹp thuộc thẩm quyền vùng, tuyến nào? số lượng xe có thể tăng đột biến, phát sinh tự phát, xe chạy theo quy hoạch luồng tuyến thì lại để chạy ra ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo thống kê, cả nước hiện có 1.300 xe điện 4 bánh nhưng chỉ 176 xe (hơn 13% lượng xe) vào các đơn vị đăng kiểm kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận lưu hành. Như vậy, số xe còn lại hiện nay là đang hoạt động “chui”.

Đại diện các Sở Giao thông Vận tải địa phương - nơi có xe điện chở người 4 bánh lưu hành - cũng thành thực đưa ra các khó khăn trong công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện này vì vướng nguồn gốc hồ sơ giấy tờ, thuế…

Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, tỉnh chỉ có thị xã Sầm Sơn có 431 xe điện 4 bánh hoạt động nhưng tất cả vẫn chưa có đăng ký, đăng kiểm đúng luật.

Lý giải điều này, ông Tuấn cho rằng, các xe này đều sản xuất trong nước chỉ có giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất, có giấy chứng nhận sản xuất thí điểm nhưng lại thiếu giấy chứng nhận đăng kiểm của Cục Đăng kiểm nên không làm được thủ tục đăng ký. Mặc dù, thị xã Sầm Sơn có hơn 100 xe đã chủ động nộp thuế với cơ quan quản lý thuế nhưng vẫn không đăng ký được nên không đăng kiểm được theo Thông tư 86 của Bộ Giao thông Vận tải.

“Các doanh nghiệp rất muốn đăng ký, đăng kiểm và gửi văn bản đến Cục Đăng kiểm đề nghị có hướng dẫn cụ thể để đăng kiểm và đưa ra giải pháp trước mắt là chưa đăng ký được thì theo đánh số vẫn cho đăng ký theo Thông tư 86 để quản lý hoạt động trong phạm vi hẹp,” ông Tuấn nói.

Thiếu hành lang pháp lý, hàng nghìn xe điện 4 bánh thả sức chạy "chui" ảnh 2Công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện này đang khó khăn vì vướng nguồn gốc hồ sơ giấy tờ, thuế… (Ảnh: TTXVN)

Là doanh nghiệp có 50 đầu xe hoạt động ở khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà và trong trung tâm thành phố Hải Phòng, đại diện Công ty Điện tử tin học viễn thông (Hải Phòng) cho rằng, Thông tư 86 có hiệu lực thì đơn vị tích cực đăng ký theo hướng dẫn nhưng gặp khó trong đăng ký.

“Theo quy định của Thông tư 86, thủ tục đăng ký thì giấy tờ yêu cầu cần giấy chứng nhận đăng kiểm nhưng do trước Thông tư 86, nhà sản xuất chưa có giấy tờ này. Đem những thắc mắc này hỏi đăng kiểm thì bên đó trả lời rằng không có hướng dẫn nào để giải quyết cụ thể. Trong khi đó, ngày 1/4 tới đây, công an thành phố yêu cầu tất cả các xe điện có đăng ký mới được hoạt động, nếu không thì phải ‘đắp chiếu’ phương tiện nằm nhà và người lao động mất việc làm,” đại diện Công ty Điện tử tin học viễn thông thanh thở.

Đề nghị dừng chạy thí điểm

Đại diện nhiều cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ban hành quy định quản lý hoạt động về quản lý đăng ký, đăng kiểm và xử lý vi phạm đồng thời đề xuất Chính phủ nên có cơ chế riêng cho hợp thức hóa số lượng xe điện này để đăng ký đăng kiểm sau đó sẽ quản lý chặt chẽ hơn.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, từ nay đến ngày 30/3, các Sở Giao thông Vận tải phải tổng hợp lại số lượng xe hiện có, để báo cáo và có giải pháp; tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đi kiểm tra một số tỉnh về quản lý xe này như thế nào để nhằm sửa đổi, xây dựng Nghị định 86 sát với thực tiễn, không trở thành rào cản.

“Chậm nhất hai tháng nữa phải hoàn chỉnh quản lý phương tiện này. Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ, tham mưu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chấm dứt thí điểm phương tiện chuyển thành chính thức hoạt động bình thường,” Thứ trưởng Thọ khẳng định.

Để thực hiện, Thứ trưởng yêu cầu rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối tượng này, khi sửa Nghị định 86 sẽ đưa xe điện 4 bánh vào loại hình vận tải kinh doanh có điều kiện dựa vào đánh giá thực tiễn ở các địa phương.

“Thủ tục đăng ký phải phân tích ra thiếu đủ cái gì để kiến nghị giải pháp, tránh trường hợp thất thoát thuế của Nhà nước nhưng cũng tạo điều kiện cho đăng ký, đăng kiểm. Thuế chưa đóng thì hồi tố lại ở mức nào đó, đăng kiểm xác nhận về an toàn kỹ thuật môi trường rồi đem đi đăng ký, cấp biển,” Thứ trưởng chỉ đạo.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng nhấn mạnh, phương tiện xe điện 4 bánh không nên để cho phát triển tràn lan, ồ ạt. Mô hình tổ chức theo doanh nghiệp, hợp tác xã, không thể bộc phát kiểu chủ hộ, phải có bộ phận an toàn, chất lượng dịch vụ như thế nào cũng cần có điều kiện đi kèm; công tác quản lý Nhà nước cần phân cấp rõ ràng từ chính quyền xã, huyện, tỉnh để tránh chồng chéo, buông lỏng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục