Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: Những chuyển động tích cực

Trong khi ngân sách gặp nhiều khó khăn khi cùng lúc phải triển khai nhiều gói kích thích kinh tế, việc các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn sẽ giúp nguồn thu ngân sách được tích lũy "dày dặn" hơn.
Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: Những chuyển động tích cực ảnh 1(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra là cần sớm hoàn thành phê duyệt và quyết liệt triển khai đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập...

Trong bối cảnh ngân sách đang gặp nhiều khó khăn khi cùng lúc phải triển khai nhiều gói kích thích kinh tế, việc các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn sẽ giúp nguồn thu ngân sách được tích lũy "dày dặn" hơn, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo thêm dư địa để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đại diện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ngân sách thâm hụt do dịch COVID-19 có thể thúc đẩy tiến trình thoái vốn ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Nhu cầu vốn cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được xác định là khoảng 32-34% GDP, tương đương với khoảng từ 2-2,14 triệu tỷ đồng và mục tiêu là cần đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 90% so với kế hoạch. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công cho năm 2021 chỉ tương đương 7,3% GDP nên nhu cầu vốn đầu tư công cho giai đoạn 2022-2025 sẽ là rất lớn.

[Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Vẫn tình trạng biết rồi, nói mãi]

Mới đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn là Tổng cục Bưu điện Việt Nam (VNPost) tại LienVietPostBank (LPB), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã có thông báo đấu giá bán cổ phần của LPB do VNPost sở hữu với mức đấu giá là hơn 122 triệu cổ phiếu, tương đương 10,15% vốn cổ phần ngân hàng. Giá khởi điểm được đưa ra là 28.930 đồng/cổ phiếu, cao hơn 30% thị giá của LPB trên thị trường chứng khoán.

Theo giới phân tích, nếu thoái vốn thành công, VNPost sẽ thu về tối thiểu hơn 3.534 tỷ đồng. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 23/2 tới.

Đó là những chuyển động tích cực đối với hoạt động thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước sau một thời gian gần như "giậm chân tại chỗ." Với diễn biến này, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước nhiều khả năng sẽ diễn ra thuận lợi hơn trong năm 2022.

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước thành công sẽ tạo ra nhiều lợi ích đối với cả thị trường chứng khoán và doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán sẽ được mở rộng về quy mô khi tăng cả về số lượng doanh nghiệp niêm yết và vốn hóa thị trường.

Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Đỗ Bảo Ngọc cho hay đây là một trong những điều kiện để xét nâng hạng, thị trường chứng khoán có thêm hàng hóa chất lượng và nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thêm cơ hội đầu tư mới tiềm năng.

Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: Những chuyển động tích cực ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Về phía doanh nghiệp sẽ có thêm các lợi ích riêng như công khai, minh bạch quản trị công ty, đa dạng hóa cổ đông. Nhất là tạo dư địa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động điều hành, đầu tư đổi mới, chuyển giao công nghệ, có khả năng mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại một số địa phương và đối với một vài lĩnh vực kinh tế, tình hình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân nhất định; trong đó, phổ biến nhất là khâu sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Nhà nước. Có không ít địa phương và doanh nghiệp vẫn nặng tâm lý chờ đợi, "nước đến chân mới nhảy."

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích việc chuyển vốn từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác cần phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp; đồng thời cần được tính toán để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan và phải được thực hiện đúng luật.

Theo đó, nếu không có những rà soát, đánh giá, đề xuất cụ thể cho từng trường hợp và trên cơ sở đúng luật, phối hợp, tôn trọng chính tiếng nói của nhà góp vốn liên doanh tại doanh nghiệp, thì các địa phương sẽ rất khó gỡ "mớ bòng bong" khi tái sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước theo danh mục.

Bên cạnh đó, còn những điểm vướng mắc nằm ở công tác sắp xếp, xử lý lại nhà đất theo quy định Nhà nước; trong đó, bao gồm cả các trường hợp chưa kịp sắp xếp để định giá doanh nghiệp vì liên quan đến pháp lý tài sản đất đai, rà soát tài sản đất từ các công ty con, thành viên, với số lượng nhiều hoặc nằm rải rác ở nhiều đại phương khác nhau.

Điển hình là trường hợp của Tổng Công ty Dầu Việt Nam-Công ty Cổ phần (PV Oil), tuy đã lên sàn UPCoM (OIL) nhưng doanh nghiệp vẫn đang phải từng bước xử lý vướng mắc như quyết toán cổ phần hóa tại PETEC, sắp xếp, xử lý đất đai theo Nghị định 167/2017 của Chính phủ… Theo đó, việc thoái vốn Nhà nước khó có thể hoàn thành trước năm 2023 sau khi doanh nghiệp dự kiến quyết toán xong cổ phần hóa PETEC và của chính Tổng công ty./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục