Đẩy nhanh cổ phần hoá, thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh hoạt động cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn trong ngành ngân hàng đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đối với Agribank.
Đẩy nhanh cổ phần hoá, thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành Quyết định số 1963/NHNN về Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của quyết định là thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí triệt để trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành. Từ đó, tạo nguồn lực để thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước đưa ra để thực hiện quyết định này chính là việc đẩy mạnh hoạt động cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn trong ngành ngân hàng đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam-Agribank,” quyết định nếu rõ.

[Sắp xếp, xử lý lại nhà đất để đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp]

Quyết định cũng nêu rõ mục tiêu là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành ngân hàng, góp phần tạo nguồn lực để thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tiết kiệm chi phí cũng nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai.

Theo đó, ngành ngân hàng tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, điều hành các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng; triển khai toàn diện, quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường  thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ nguồn vốn và tài chính của Ngân hàng Nhà nước và của các đơn vị trong ngành, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản và kinh phí hoạt động.

Quyết định cũng chỉ ra cần xây dựng và quản lý chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả; đảm bảo thực hiện dự án theo văn kiện đã ký kết với nhà tài trợ; phân bổ và giải ngân nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng theo đúng kế hoạch và đúng quy định của pháp luật và nhà tài trợ.

Đặc biệt, theo quyết định ngành ngân hàng cần đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục