Thông tin về chiến lược toàn diện về phát triển hạt nhân của Iran

Kế hoạch phát triển hạt nhân của Tehran sẽ được chính quyền của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sớm công bố là dấu hiệu mới nhất về quyết tâm thúc đẩy chương trình hạt nhân của nước này.
Thông tin về chiến lược toàn diện về phát triển hạt nhân của Iran ảnh 1Các máy ly tâm bên trong cơ sở hạt nhân Natanz ở miền Trung Iran. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Chính quyền của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sẽ sớm công bố một văn kiện toàn diện liên quan đến kế hoạch phát triển hạt nhân của Tehran.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, phát biểu họp báo ở thủ đô Tehran ngày 5/4, người phát ngôn của chính phủ, ông Ali Bahadori Jahromi cho biết "Tài liệu Chiến lược toàn diện về phát triển hạt nhân" của Iran sẽ được Tổng thống Raisi công bố vào ngày 9/4 trong một buổi lễ do Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) tổ chức.

Đây là dấu hiệu mới nhất về quyết tâm thúc đẩy chương trình hạt nhân của Iran.

Ông Jahromi không cho biết thêm chi tiết về tài liệu nói trên. Tuy nhiên, ông Mohammad Eslami, người đứng đầu AEOI, cơ quan chịu trách nhiệm chuẩn bị tài liệu, nói rằng văn kiện đó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà chính sách hạt nhân của nước này đặt ra.

[Đàm phán hạt nhân Iran đã bước vào giai đoạn quyết định]

Tài liệu bao gồm tất cả các khía cạnh của công nghệ hạt nhân cũng như quá trình công nghiệp hóa của Iran trong các lĩnh vực khác nhau. Ông cho biết thêm theo tài liệu, các mục tiêu định tính và định lượng đã được đặt ra đối với các quá trình của chu trình nhiên liệu hạt nhân.

Về điện hạt nhân, văn kiện tạo tiền đề cho việc xây dựng các nhà máy điện có công suất lên tới 10.000 MW. Ông Eslami tiết lộ rằng AEOI đang trong quá trình xây dựng một nhà máy điện có công suất 360 MW tại ở vùng Darokhovein thuộc tỉnh Khuzestan của nước này.

Tài liệu Chiến lược toàn diện về phát triển hạt nhân của Iran được công bố vào thời điểm các cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna của Áo về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), rơi vào bế tắc mà phía Iran cho rằng do Mỹ không sẵn sàng đưa ra các quyết định chính trị liên quan đến tiến trình đàm phán.

Năm 2015, Iran đã ký JCPOA với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức).

Tuy nhiên, tháng 5/2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, khiến nước này từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên.

Kể từ tháng 4 năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna để khôi phục thỏa thuận. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU).

Sau gần một năm đàm phán, các bên vẫn chỉ tiến gần tới một thỏa thuận khôi phục thỏa thuận hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục