Thu hút FDI thế hệ mới: Ma trận lựa chọn lĩnh vực ưu tiên

Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới” là gì, xác định ma trận ưu tiên như thế nào trong chiến lược mới này là một tiêu điểm kinh tế thu hút sự quan tâm của các chuyên gia hiện nay.
Thu hút FDI thế hệ mới: Ma trận lựa chọn lĩnh vực ưu tiên ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Trong bối cảnh thế giới thay đổi với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo, các hoạt động đầu tư gia công ra nước ngoài cũng có sự dịch chuyển cùng các hiệp định thương mại tự do đi vào chiều sâu với quy mô rộng lớn, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam cần thay đổi với một chiến lược hiệu quả hơn.”

[Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam]

Ông Wim Douw Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân, Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC thuộc Ngân hàng Thế giới chia sẻ tại Lễ công bố Báo cáo Các khuyến nghị về chiến lược FDI thế hệ mới và tầm nhìn 2020 – 2030 của Việt Nam, ngày 9/7.

Cụ thể, “Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới” là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho “sản phẩm” định hướng của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) các loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, nhờ đó có thể tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của FDI.

Ma trận lựa chọn lĩnh vực ưu tiên

Theo ông Wim Douw, trong chiến lược mới, các ngành được lựa chọn ưu tiên xúc tiến đầu tư sẽ chủ động góp phần vào phát triển kinh tế. Theo đó, 27 lĩnh vực sẽ được đánh giá bằng “ma trận lựa chọn lĩnh vực ưu tiên” theo thông lệ tối ưu với hai hướng, đầu tư “thế hệ mới” tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động sử dụng nhiều công nghệ, kỹ năng và tối đa hóa giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, đầu tư “thế hệ một” vẫn là yếu tố cần thiết để lấp đầy những lỗ hổng cơ bản của chuỗi cung ứng trong nước đồng thời tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh thành, làm nền cho tăng trưởng đầu tư “FDI thế hệ mới.”

Thu hút FDI thế hệ mới: Ma trận lựa chọn lĩnh vực ưu tiên ảnh 2Lễ công bố Báo cáo Các khuyến nghị về chiến lược FDI thế hệ mới và tầm nhìn 2020 – 2030 của Việt Nam, ngày 9/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Cục quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới?

Trên thực tế, chính sách thu hút đầu tư trước đây phụ thuộc nhiều vào các điều kiện miễn và ưu đãi thuế. Các cơ chế ưu đãi này đã tạo thuận lợi cho hoạt động “đầu tư thế hệ một”song chưa phù hợp để thu hút FDI mang tính đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ tiên tiến và đòi hỏi lao động có tay nghề cao, thúc đẩy đổi mới và năng lực kinh doanh.

Đã đến lúc, Việt Nam cần thay thế chính sách ưu đãi “dựa trên lợi nhuận sang dựa trên hiệu quả.” Do đó, nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo đề xuất, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và thực hiện các phân tích chi phí và lợi ích để cải tổ hiệu quả khung chính sách ưu đãi.

Một kiến nghị khác được đưa ra, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới và mô hình phát triển với sự dẫn dắt của chuỗi giá trị toàn cầu sẽ kéo theo yêu cầu về quản trị thể chế, năng lực và điều phối, do đó cần thiết phải có một Cục quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới, với một khung thể chế gắn kết và sự phối hợp nhịp nhàng.

 

Đánh giá cao nội dung Báo cáo, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, căn cứ vào những kiến nghị nêu trên, Bộ sẽ  xây dựng những phương hướng, giải pháp cho từng vấn đề cụ thể đối với thu hút đầu tư nước ngoài, như chính sách ưu đãi phù hợp hay lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí sàng lọc… nhằm hướng tới thu hút các dự án công nghệ cao thân thiện với môi trường cũng như những giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, song có cân nhắc các tác động từ 12 hiệp định đối tác thương mại - FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Cũng tại Lễ công bố, ông Jonas Grunder, Phó Giám đốc Phụ trách phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam ghi nhận, Việt Nam đã nổi lên trong khu vực châu Á với những cải cách về kinh tế - chính trị, thúc tăng trưởng mạnh mẽ và nhanh chóng.

“Chính sách kinh tế mở cửa đã giúp Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Sang giai đoạn mới, Việt Nam cần cố gắng nhiều hơn nữa, như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước đồng thời có những giải pháp tăng cường mối liên kết với nhà đầu tư nước ngoài cũng như cơ hội tiếp cận với các thị trường quốc tế.

Thụy sỹ có những điểm tương đồng với Việt Nam, có vị trí địa lý quan trọng là cửa ngõ của các thị trường châu Âu. Các công ty đa quốc gia đến với Thụy Sỹ nhờ vào môi trường đầu tư thông thoáng cởi mở, lao động chất lượng cao, công nghệ cao, chính trị ổn định và hệ thống pháp lý minh bạch rõ ràng. Dựa trên các kinh nghiệm mình, Thụy Sỹ sẵn sàng chia sẻ cùng Việt Nam trong việc nâng cao thu hút đầu tư nước ngoài,” ông Jonas Grunder nói./.

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục