Thủ lĩnh nổi dậy Nam Sudan tìm sự giúp đỡ từ tổng thống Sudan

Sau khi các bên xung đột tại Nam Sudan bỏ lỡ hạn chót để đạt một thỏa thuận ngừng bắn, thủ lĩnh phe nổi dậy Riek Machar đã tới Sudan tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tổng thống al-Bashir.
Thủ lĩnh nổi dậy Nam Sudan tìm sự giúp đỡ từ tổng thống Sudan ảnh 1Thủ lĩnh phe nổi dậy Riek Machar (trái) và vợ trong cuộc gặp với Tổng thống Omar al-Bashir hôm 10/8. (Nguồn: AFP)

Ngày 10/8, sau khi các bên xung đột tại Nam Sudan bỏ lỡ hạn chót để đạt một thỏa thuận ngừng bắn, thủ lĩnh phe nổi dậy Riek Machar đã tới Sudan tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tổng thống nước này Omar al-Bashir.

Trả lời báo giới sau cuộc hội đàm, ông Machar cho biết nhiều bất đồng vẫn tồn tại trong đàm phán giữa phe nổi dậy và Chính phủ Nam Sudan. Lực lượng này đề xuất thành lập chính phủ chuyển tiếp và soạn thảo hiến pháp lâm thời trong giai đoạn đó, sau khi giải quyết các vấn đề dẫn tới xung đột.

Ông Machar cho rằng Tổng thống Omar al-Bashir có thể giúp các bên tại Nam Sudan thúc đẩy tiến trình trên, do ông Bashir "có kinh nghiệm khi còn là tổng thống của nước Sudan thống nhất."

Về phía Sudan, Tổng thống Omar al-Bashir và các quan chức khác đều không tham gia họp báo sau hội đàm. Tuy nhiên, hãng thông tấn chính thức SUNA của Sudan cho biết trong cuộc gặp với ông Machar, ông Bashir đã kêu gọi các bên ở Nam Sudan chấm dứt nội chiến và "cam kết đối thoại" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Cũng theo SUNA, tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Sudan Ali Karti nhận định chuyến thăm của ông Machar quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Nam Sudan, đồng thời có lợi cho Sudan.

Bất chấp các nỗ lực hòa giải cùng sự chỉ trích của quốc tế, cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn bảy tháng qua tại Nam Sudan vẫn tiếp diễn, làm hàng nghìn người thiệt mạng và hơn 1,5 triệu người mất nhà cửa.

Chính phủ Nam Sudan và phe nổi dậy vẫn chưa thể thống nhất phương án chia sẻ quyền lực cũng như thực thi lệnh ngừng bắn trước thời hạn 10/8, theo đề xuất của Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) trong vòng đàm phán ngày 4/8 vừa qua.

Cuộc đối thoại hồi tháng Sáu cũng rơi vào bế tắc do hai bên đỗ lỗi cho nhau về thất bại của đàm phán, trong khi đã có ba lệnh ngừng bắn không được duy trì tới cùng.

Mặt khác, theo Đặc phái viên Mỹ tại Nam Sudan Donald Booth, sản lượng dầu thô của Juba đã giảm gần 50% kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 12/2013. Điều này ảnh hưởng nặng nề tới cả Juba lẫn Khartoum vì dầu khí là nguồn thu nhập sống còn của hai bên khi Juba phải trả các khoản phí để xuất khẩu dầu qua các đường ống dẫn của Khartoum. Do đó, giới phân tích cho rằng phe nổi dậy muốn thông qua Sudan để gây áp lực lên Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục