Thử thách đối ngoại đầu tiên của Thủ tướng Anh Boris Johnson

Thách thức đối với Thủ tướng Johnson chính là tính khí thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi London đang rất cần duy trì mối “quan hệ đặc biệt” với Washington.
Thử thách đối ngoại đầu tiên của Thủ tướng Anh Boris Johnson ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thực sự đầu tiên về chính sách đối ngoại khi phải đau đầu tìm cách phản ứng trước căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sau vụ Washington tiêu diệt Tướng Iran Qasem Soleimani tại Baghdad.

Thách thức đối với Thủ tướng Johnson chính là tính khí thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi London đang rất cần duy trì mối “quan hệ đặc biệt” với Washington và muốn sớm ký một hiệp định thương mại song phương với đồng minh thân cận nhất của mình trong bối cảnh Anh sẽ không còn là thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ sau ngày 31/1 tới.

Bên cạnh đó, ông Johnson cũng lại buộc phải hợp tác chặt chẽ với hai đồng minh khác trong EU là Đức và Pháp để cố cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi từ năm 2018.

Chính phủ Anh đã kêu gọi Mỹ-Iran xuống thang căng thẳng nhằm tránh thổi bùng một cuộc chiến tại Trung Đông, nhưng đồng thời cũng ngầm thể hiện ủng hộ việc Trump hạ lệnh tiêu diệt Tướng Soleimani.

Cựu Ngoại trưởng AnhJack Straw cảnh báo: “Chính phủ đang ở trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chúng ta cần gắn bó với Mỹ, nhưng đây là thử thách đối với Boris Johnson khi phải chiều lòng một đồng minh vừa thất thường vừa ương ngạnh, đồng thời lại phải làm mọi cách để bảo vệ lợi ích quốc gia, đặc biệt là an toàn cho các binh sỹ và nhà ngoại giao Anh, trong khi cũng phải hợp tác hết mức có thể với Đức và Pháp.”

[Thủ tướng Anh công bố chương trình nghị sự ưu tiên hoàn tất Brexit]

Được xem là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, nhưng dường như Anh cũng đang không hiểu chiến lược của Trump trong cuộc khủng hoảng này là như thế nào.

Thủ tướng Anh không hề được tham vấn trước về cuộc không kích tiêu diệt Tướng Soleimani, bất chấp sự hiện diện của hàng trăm binh sĩ Anh làm nhiệm vụ huấn luyện và hàng nghìn nhà thầu Anh tại Iraq.

Đầu tuần này, một bức điện mật bị rò rỉ của tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq về khả năng chuẩn bị rút quân đã khiến giới chức tại London choáng váng. Mỹ đã buộc phải lên tiếng phủ nhận kế hoạch rút quân khỏi Iraq và khẳng định bức điện nói trên chỉ là một “dự thảo sai sót.”

Thủ tướng Johnson đang phải đối mặt với chỉ trích vì đã quá "im hơi lặng tiếng" từ sau vụ việc này. Vụ việc xảy ra hôm 3/1, nhưng phải đến hôm 5/1 ông Johnson mới chịu chấm dứt kỳ nghỉ năm mới ở Caribe để quay về London.

Ngày 7/1, ông Johnson thậm chí còn không tham dự phiên họp Quốc hội để cập nhật tình hình cho các nghị sỹ màhỉ cử Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đến báo cáo thay mình.

Trước những chỉ trích của phe đối lập, Bộ trưởng Quốc phòng Wallace buộc phải bảo vệ ông Johnson khi khẳng định “thủ tướng đang điều hành đất nước”, đồng thời nhấn mạnh rằng những “hành động khẩn trương” đã được thực hiện để đưa các công dân Anh “không thiết yếu” rời khỏi Baghdad.

Trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa cáo buộc các đồng minh châu Âu đã không ủng hộ được như kỳ vọng, tuần này Ngoại trưởng Anh Dominic Raab sẽ tới Washington để cố giảm thiểu những thiệt hại mà vụ Tướng Soleimani bị tiêu diệt gây ra cho quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, đồng thời tìm cách thuyết phục Chính quyền Donald Trump “xuống thang” tình hình.

Giáo sư Michael Clarke, nguyên Giám đốc Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định: “Tình hình hiện tại với Iran đã bộc lộ khó khăn đối với nước Anh thời hậu Brexit: đối tác được Anh trông đợi và dựa dẫm nhiều nhất sau khi rời EU để bước chân ra thế giới là Mỹ, nhưng Washington lại vừa tự đẩy mình và lôi cả đồng minh vào một cuộc khủng hoảng."

Theo vị giáo sư này, nước Anh vẫn có thể làm điều đúng đắn về vấn đề Iraq mà vẫn đàm phán thương mại được với Mỹ, đây không phải là vấn đề lựa chọn hoặc cái này hoặc cái kia.

Vấn đề ở đây là phép thử liệu Boris có thực sự giữ được quan điểm nhất quán về lợi ích quốc gia hay lại hành động theo cảm tính. Khó khăn ở đây là sự khác biệt giữa Anh và Mỹ về quan điểm đối ngoại và bất đồng này sẽ còn dai dẳng.

Nghị sỹ Tom Tugendhat, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, thúc giục ông Johnson nghiên cứu khả năng Anh và EU sử dụng các kênh không chính thức để đàm phán với Iran.

Ông nói: “Có thể sẽ đến lúc Iran nhận ra rằng cái giá mà nước này phải trả cho chính sách hiện tại là quá cao và sẽ thay đổi sang hướng can dự thay vì cứng rắn.”

Ông Tugendhat cũng thúc giục Thủ tướng Anh làm việc với các nước khác có lợi ích trong khu vực, như Nhật Bản và Trung Quốc, để tìm cách hạ nhiệt tình hình.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh vừa bắt đầu quy trình lựa chọn một đại sứ mới tại Mỹ. Một phát ngôn viên Văn phòng Chính phủ Anh cho biết đã gửi thông báo tuyển dụng trên cổng thông tin nội bộ và các ứng cử viên sẽ trải qua “quy trình thông thường.”

Thông báo này chấm dứt những đồn đoán về khả năng Thủ tướng Anh có thể bổ nhiệm một đại sứ từ bên ngoài ngành ngoại giao để thay thế ông Kim Darroch, người đã buộc phải từ chức vào năm 2019 sau khi những đánh giá mang tính phê phán của ông đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump bị lộ ra ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục