Thủ tục kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải không nhiều nhưng còn vướng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ ra rằng còn những chồng chéo trong công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải với các bộ khác.
Thủ tục kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải không nhiều nhưng còn vướng ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chiều 30/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quyết liệt thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công-tư PPP, BOT.

Tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là chủ trương đúng đắn, cần thực hiện quyết liệt. Trong khi chúng ta phải thực hiện quản lý trần nợ công theo nghị quyết của Quốc hội thì việc kêu gọi các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước là rất quan trọng.

Bộ trưởng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh thủ tục đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình hạ tầng cấp quốc gia, triển khai các dự án tuyến đường bộ Bắc-Nam, Sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến đường ven biển, đường sông, đường sắt, đổi mới ngành đường sắt, đường thủy...

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành các dự án để đưa vào sử dụng, cần quan tâm đến chất lượng công trình, việc quản lý đầu tư và khai thác sử dụng.

Bộ trưởng cũng đặt vấn đề về việc thực hiện quyết liệt, cụ thể chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông.

"Đầu tư cảng hàng không, đầu tư cảng sông có xã hội hóa không?," Bộ trưởng đặt vấn đề và yêu cầu Bộ cần quan tâm xây dựng cả cảng hàng không, đường thủy, đường sắt, đường bộ, tạo ra cơ chế thúc đẩy đầu tư phát triển. Theo Bộ trưởng, nguồn lực trong dân rất lớn, chỉ cần có cơ chế tốt để thu hút. Vấn đề là bảo vệ môi trường đầu tư bền vững, phân phối hài hòa để đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đề cập đến việc áp dụng thu phí điện tử tại các trạm BOT giao thông còn rất hạn chế, tỷ lệ rất thấp, các phần mềm ứng dụng khác nhau, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu minh bạch, thực hiện quyết liệt chủ trương thu phí điện tử.

"Quan điểm là càng minh bạch càng tốt. Giảm thời gian chi phí cho doanh nghiệp nhưng đồng thời minh bạch trong kiểm soát. Bộ Giao thông Vận tải quyết liệt vấn đề này. Quan điểm của các cơ quan, đơn vị cũng khác nhau, của doanh nghiệp cũng khác nhau; đề nghị các trạm phải quyết liệt, Bộ cũng phải quyết liệt để tạo sự minh bạch," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về dịch vụ logistics, Bộ trưởng cho biết doanh nghiệp đang phải gánh chi phí vận tải, chi phí bốc xếp rất lớn. Đây là vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm, chi phí của doanh nghiệp cho chuỗi này lên đến 39%. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị kỹ nội dung, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị liên quan đến cắt giảm trình tự, thủ tục, chi phí liên quan đến logistics.

Về kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng thủ tục kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải không nhiều nhưng qua làm việc với Hiệp hội ngành hàng và các bộ thì còn vướng một số vấn đề. Bộ trưởng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải áp dụng mạnh mẽ hình thức kiểm tra chuyên ngành chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng mạnh mẽ phương thức quản lý rủi ro, đánh giá sự tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp nào làm tốt cần tạo điều kiện cho họ, áp dụng công nhận lẫn nhau của các nước tiên tiến.

"Không được chỉ định 1, 2 cơ quan đánh giá chất lượng sản phẩm mà chúng ta sẽ xã hội hóa vấn đề này, nhà nước không đầu tư," Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ ra rằng còn những chồng chéo trong công tác kiểm tra chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải với các bộ khác, như mặt hàng máy kéo nông nghiệp nhập khẩu bị kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cần trục, cẩu trục đang chịu sự kiểm tra của Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải… Việc kiểm tra chất lượng đối với mặt hàng xe nâng quy định không thống nhất đã gây khó khăn cho cơ quan hải quan...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ về thay đổi giá cảng biển một cách cơ bản để khôi phục tiềm năng phát triển cảng biển Việt Nam.

“Hiệp hội Cảng biển cho rằng kết cấu cảng biển sẽ tụt hậu do thiếu đầu tư thay thế, phát triển chưa đồng bộ, có cảng mà chưa có đường vào cảng, luồng lạch chưa được đầu tư, bị chi phối bởi giá bao cấp, do đó giá cảng biển cần thay đổi một cách cơ bản," Bộ trưởng cho hay.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến việc Bộ Giao thông Vận tải cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, chia sẻ thông tin của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành với cơ quan hải quan. Những mặt hàng thuộc Bộ quản lý cần giảm điều kiện kinh doanh, mặt hàng khác liên quan đến thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành của Bộ thì cần cắt giảm các hình thức kiểm tra để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các thủ tục này.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, trong công tác kiểm tra chuyên ngành của các bộ nói chung, Bộ Giao thông Vận tải nói riêng vẫn còn có những căn bệnh giống nhau, đó là tình trạng vẫn còn kiểm tra toàn bộ các lô hàng, chủ yếu vẫn thực hiện tiền kiểm, thủ tục hồ sơ kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất hợp lý, một loại hàng hóa cùng một lúc phải chịu nhiều quy trình quản lý chuyên ngành.

[Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Doanh nghiệp phải đóng tới 70 phí vận tải]

Ông Lộc đơn cử như Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương cùng kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng như cần cẩu tự hành, cần trục, cẩu trục xe nâng. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ cùng kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xe xitéc. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng độc quyền trong kiểm tra đánh giá sự phù hợp, việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan Hải quan còn yếu, tổ chức bộ máy hành chính để thực hiện kiểm tra chuyên ngành chưa hợp lý.

Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành tương đối khó khăn, 1/4 doanh nghiệp cho là còn khó và rất khó. Thủ tục còn phức tạp và chi phí quá lớn trong tương quan so sánh với các nền kinh tế lớn trong khu vực.

Ông Lộc cho rằng chỉ nên kiểm tra trước thông quan đối với hai lĩnh vực là kiểm dịch và an toàn thực phẩm, còn lại kiểm tra sau thông quan và thực hiện xã hội hóa mạnh khâu này, để giải phóng hàng, thông quan nhanh.

Rà soát lại các quy định về kiểm tra chuyên ngành

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã đơn giản hóa, bãi bỏ 79 thủ tục hành chính không còn phù hợp; rà soát 17 nghị định có quy định đối với 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện để đề xuất phương án bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm.

Bộ thực hiện điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.

Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành 82 quy chuẩn Việt Nam và 27 tiêu chuẩn Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19 về việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc cải cách kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan cũng như khối lượng hàng hóa nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu, tăng cường công tác kiểm tra hậu kiểm, công tác kiểm tra chuyên ngành phương tiện, linh kiện nhập khẩu xe cơ giới nhập khẩu thông qua việc thừa nhận, công nhận sản phẩm đến từ các khu vực tiên tiến có trình độ công nghiệp phát triển.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thừa nhận các kết quả, kiểm tra, thử nghiệm chứng nhận của EU, G7, các thỏa thuận hợp tác, thay thế lẫn nhau giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam với các tổ chức đăng kiểm tàu thủy quốc tế (duy trì thỏa thuận thay thế lẫn nhau với 21 tổ chức đăng kiểm tàu thủy hàng đầu thế giới) và Liên hợp quốc.

Tính đến nay, số lượng các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông Vận tải là 160 mặt hàng, trong đó có 107 mặt hàng đã được công nhận, thừa nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành; 35 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, 125 mặt hàng kiểm tra sau thông quan; một mặt hàng chồng chéo với cơ quan kiểm tra chuyên ngành khác là mặt hàng máy kéo nông nghiệp quy định tại Thông tư 39/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải và văn bản số 3076/BNN-CB của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổng số thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của bộ là 11 thủ tục, trong đó, 5 thủ tục được giải quyết trong 3 ngày làm việc; 2 thủ tục giải quyết trong 2 ngày làm việc; 3 thủ tục giải quyết trong 5 ngày làm việc và 1 thủ tục giải quyết trong thời gian từ 1 đến 10 ngày làm việc.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ rà soát lại các quy định về kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất, nhập hàng hóa qua các cửa khẩu, bến cảng, cảng hàng không.

Liên quan đến vấn đề phát triển giao thông vận tải thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay Bộ đang tập trung cao độ cho việc đẩy mạnh thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, PPP. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, để phát triển giao thông, không có con đường nào khác là phát triển dưới hình thức đối tác công-tư, với các dự án tốt thì thực hiện BOT 100%.

Bộ trưởng cho biết rút kinh nghiệm trong việc thực hiện đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua, Bộ sẽ chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung sửa chữa hệ thống đường bộ để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, những nơi nào thật sự bức xúc về lưu lượng sẽ hướng đến làm đường cao tốc song hành.

Bộ tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, liên hoàn giữa đường bộ, đường thủy, đường không, đường sắt, hàng hải để giảm giá thành logistics…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục