Tân Thủ tướng Đức liệu có thể hồi sinh phong trào cánh tả châu Âu?

Thủ tướng Đức liệu có thể hồi sinh phong trào cánh tả châu Âu?

Ông Olaf Scholz giành chiến thắng vì nhiều lý do, không chỉ vì thuyết phục được cử tri ông là người thân cận nhất với bà Merkel, mà còn nhờ thông điệp về sự tôn trọng của ông cũng đã gây tiếng vang.
Thủ tướng Đức liệu có thể hồi sinh phong trào cánh tả châu Âu? ảnh 1Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại phiên họp quốc hội ở Berlin, Đức, ngày 15/12 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tháng 12/2020, khi đang lên kế hoạch cho điều mà nhiều người coi là nỗ lực tuyệt vọng để trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Đức, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã làm gián đoạn công tác chuẩn bị cho chiến dịch này khi thực hiện một cuộc gọi video với triết gia người Mỹ Michael J Sandel, Giáo sư của Đại học Harvard.

Ông Scholz, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), muốn nói chuyện với nhà triết học Michael J. Sandel về lý do tại sao các đảng trung tả như SPD lại để mất các cử tri thuộc tầng lớp lao động vào tay những người theo chủ nghĩa dân túy, và hai người đã dành một giờ đồng hồ để thảo luận một chủ đề tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ trở thành trọng tâm của chiến dịch Scholz: “Sự tôn trọng.”

Hôm 8/12 vừa qua, ông Scholz đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng thứ 9 của Đức thời hậu chiến - và là thành viên đầu tiên của SPD sau 16 năm đảm nhiệm chức vụ này - kế nhiệm bà Angela Merkel và lãnh đạo chính phủ liên minh 3 đảng.

Bất chấp các cuộc thăm dò ý kiến và đánh giá của các chuyên gia, ông Scholz đã đưa đảng 158 năm tuổi của ông đến một chiến thắng gần như không tưởng - và giờ đây ông muốn chứng tỏ rằng phe trung tả có thể một lần nữa trở thành một lực lượng chính trị ở châu Âu.

Ông Olaf Scholz giành chiến thắng vì nhiều lý do, không chỉ vì ông đã thuyết phục được cử tri rằng ông là người thân cận nhất với bà Merkel, mà còn nhờ thông điệp về sự tôn trọng của ông cũng đã gây được tiếng vang. Lần đầu tiên kể từ năm 2005, SPD trở thành đảng quyền lực nhất của giai cấp công nhân. Trong cuộc bầu cử vừa qua, hơn 800.000 cử tri trước đó đã từ bỏ SPD để quay sang ủng hộ phe cực tả và cực hữu nay đã trở lại hàng ngũ SPD.

Jutta Allmendinger, Chủ tịch Viện nghiên cứu Trung tâm Khoa học Xã hội WZB Berlin và là chuyên gia về bất bình đẳng, người đã biết ông Scholz gần 2 thập kỷ qua, cho biết: “Nhiều người coi ông ấy như một bản sao của Merkel. Nhưng tận đáy lòng ông ấy là một người Dân chủ Xã hội.”

Ông Scholz từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ liên minh bảo thủ do bà Merkel lãnh đạo và cam kết sẽ duy trì sự ổn định và liên tục. Tuy nhiên, ông cũng có ý định biến Đức thành một phòng thí nghiệm chính trị, trong nỗ lực sửa chữa cầu nối giữa SPD và giai cấp công nhân, một nỗ lực tương tự với chương trình nghị sự chính trị của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Đối với phe trung tả ở châu Âu, chiến thắng của Scholz đến vào thời điểm quan trọng. Trong thập kỷ qua, nhiều đảng phái từng thống trị nền chính trị châu Âu đã ngày càng tụt hậu, dường như cạn kiệt ý tưởng và bị tầng lớp công nhân lao động của họ bỏ rơi.

[Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz chính thức công bố chương trình nghị sự] 

Năng lượng chính trị đã nghiêng về cánh hữu, đặc biệt là phe dân túy cực hữu, với nhiều người bảo thủ Mỹ đổ xô đến các quốc gia như Hungary để nghiên cứu “nền dân chủ phi tự do” của Viktor Orban, Thủ tướng cực hữu của quốc gia Đông Âu này. 

Wolfgang Schmidt, cố vấn lâu năm của Scholz, nói: “Mọi người đang nhìn vào chúng ta. Nếu chúng ta làm đúng, chúng ta có cơ hội thực sự. Chúng ta không được phạm sai lầm, không được phụ lòng mong đợi đó.”

Trong những năm cầm quyền cuối cùng, bà Merkel, một người bảo thủ, đôi khi được coi là người bảo vệ duy nhất cho nền dân chủ tự do trong một thời đại của những nhà lãnh đạo toàn cầu mạnh mẽ như Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Tổng thống Mỹ Donald J. Trump.

Tuy nhiên, Đức không tránh khỏi cơn thịnh nộ của chủ nghĩa dân túy và Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo chủ nghĩa phátxít mới đã giành được ghế trong Quốc hội và trở thành một lực lượng chính trị ở miền Đông nước Đức.

Ông Olaf Scholz đã đi khắp nước Mỹ, cả những năm trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Một trong những cố vấn của ông kể lại rằng Scholz thậm chí còn dự đoán ông Trump chiến thắng. Sau đó, ông Scholz đã dành nhiều tháng để phân tích lý do tại sao Đảng Dân chủ Mỹ thất bại trong cuộc bầu cử năm đó và đọc một loạt sách của các tác giả thuộc tầng lớp lao động ở Mỹ, Pháp và Đức.

Cem Özdemir, một thành viên nổi bật của Đảng Xanh và là bộ trưởng trong Chính phủ Scholz, cho biết: “Ông đã nghiên cứu rất kỹ những gì đã xảy ra ở Mỹ. Ông đã nghiên cứu những thất bại của Đảng Dân chủ ở Mỹ và lý do tại sao Hillary Clinton không giành chiến thắng?.”

Khi đảng của Scholz thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử năm 2017, lần thứ tư liên tiếp, ông đã viết một bài báo nêu rõ một trong những lý do khiến SPD đánh mất những cử tri cốt cán là vì đảng này đã không “tôn trọng” bộ phận cử tri quan trọng đó.

Năm ngoái, giữa đợt phong tỏa đầu tiên vì đại dịch COVID-19, ông Scholz đã đọc cuốn sách mới nhất của Giáo sư Sandel “The Tyranny of Merit” (tạm dịch: Sự chuyên chế của chế độ trọng dụng nhân tài); trong đó triết gia Đại học Harvard lập luận rằng giáo dục xứng đáng đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội đã gây ra sự phẫn nộ và góp phần vào sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân túy như ông Trump.

Giáo sư Sandel nói trong một cuộc phỏng vấn: “Điều mà giới tinh hoa SPD bỏ lỡ là tính xúc phạm tiềm ẩn trong phản ứng trước sự bất bình đẳng, vì điều đó có nghĩa là “nếu bạn đang gặp khó khăn trong nền kinh tế mới, thất bại là lỗi của bạn.”

Thủ tướng Đức liệu có thể hồi sinh phong trào cánh tả châu Âu? ảnh 2Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Getty Images)

Dưới thời kỳ chính phủ của SPD gần đây nhất ở Đức, Thủ tướng Gerhard Schröder đã cắt giảm phúc lợi và tiến hành cuộc đại tu thị trường lao động từ năm 2003-2005 với mục tiêu giảm số người thất nghiệp khi đó đã vượt quá ngưỡng 5 triệu người.

Ông Olaf Scholz, lúc đó là Tổng thư ký của SPD, đã trở thành gương mặt đại diện cho những thay đổi này. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm dần, nhưng chương trình cải cách cũng làm gia tăng số người lao động hưởng mức lương thấp và khiến nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động rời bỏ SPD.

Theo Giáo sư Sandel, đó là thời kỳ mà các đảng trung tả, bao gồm cả Đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, đi theo chủ nghĩa hân hoan vì chiến thắng trên thị trường của phe cánh hữu, đồng nhất chặt chẽ hơn với các giá trị và lợi ích của giới tinh hoa, những người được tiếp cận với giáo dục bậc cao, và bắt đầu mất liên hệ với cử tri thuộc tầng lớp lao động.

Ông Olaf Scholz sẽ lãnh đạo một chính phủ liên minh 3 đảng gồm SPD trung tả, Đảng Xanh cấp tiến và Đảng Dân chủ Tự do. Thỏa thuận liên minh 3 đảng quy định tăng mức lương tối thiểu lên 12 euro/giờ (khoảng 13,50 USD/giờ) so với 9,60 euro hiện nay cho khoảng 10 triệu người lao động.

Ông Scholz cũng cam kết sẽ xây 400.000 ngôi nhà mỗi năm, nhiều gấp 4 lần so với kế hoạch trước đó và đảm bảo mức lương hưu ổn định. Trừu tượng hơn, nhưng không kém phần quan trọng, là lời hứa của ông về một “cuộc cách mạng công nghiệp” khác nhằm đưa nước Đức trở thành cường quốc sản xuất trong kỷ nguyên trung hòa carbon và cung cấp nền tảng kinh tế cho nhà nước phúc lợi trong tương lai.

Ông Scholz từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử: “Chúng tôi cần nhấn mạnh với các bạn 2 điều: thứ nhất là người lao động cần được tôn trọng, được trả lương cao và sự công nhận xứng đáng cho công việc của mình; và thứ hai là chính phủ phải đảm bảo tạo ra những công việc tốt trong tương lai.”

Trên khắp Liên minh châu Âu (EU), các đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền ở 9 trong số 27 quốc gia thành viên và bài học từ nước Đức đã và đang chứng tỏ tầm ảnh hưởng.

Tại Pháp, Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo thuộc Đảng Xã hội, người gần đây đã tuyên bố tranh cử tổng thống, cũng đã nhắc đến chủ đề “sự tôn trọng.” Tuy nhiên, kết quả cho đến nay vẫn còn hạn chế. SPD mặc dù dẫn đầu trong cuộc bầu cử gây chia rẽ hồi tháng Chín vừa qua ở Đức nhưng chỉ giành được 26% tổng số phiếu, kém xa so với con số 40% mà họ từng nhận được khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông Schröder.

Tổng thư ký SPD Kühnert nói rằng thách thức đối với Scholz là phải chứng tỏ rằng mô hình dân chủ xã hội là cách tiếp cận đúng đắn cho quốc gia và hơn thế nữa.

Ông Kühnert nói: “Chúng tôi hy vọng chiến thắng bầu cử của chúng tôi ở Đức sẽ gửi một tín hiệu cho sự hồi sinh của các đảng dân chủ xã hội trên phạm vi quốc tế. Trước hết, chúng tôi đang hướng tới phần còn lại của châu Âu, vì chúng tôi cần củng cố EU trong những năm trước mắt nếu chúng tôi muốn có điều gì để nói với thế giới trong tương lai”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục