Thủ tướng Mali Diango Cissoko thành lập nội các mới

Thủ tướng Mali lập nội các mới, trong đó các chức vụ chủ chốt do những người thân cận nhân vật cầm đầu đảo chính hồi tháng 3 nắm giữ.
Thủ tướng lâm thời Mali, ông Diango Cissoko đã thành lập nội các mới, trong đó các chức vụ chủ chốt do những người được cho là thân cận với nhân vật cầm đầu vụ đảo chính hồi tháng 3 nắm giữ.

Danh sách nội các của ông Cissoko được công bố tối 15/12, sau khi ông được Tổng thống Dioncounda Traore ngày 11/12 bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng, thay ông Modibo Diarra vừa buộc phải từ chức do sức ép của lực lượng làm đảo chính.

[Mali: Tân Thủ tướng Cissoko tuyên thệ nhậm chức]

Ba bộ trưởng trong nội các cũ được giữ tại nhiệm là Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao.

Ngoài Bộ trưởng Quốc phòng, hai nhân vật mới được bổ nhiệm khác là Bộ trưởng An ninh nội địa và Bộ trưởng Tư pháp được cho là thân cận với Đại úy Amadou Haya Sanogo, người cầm đầu vụ đảo chính hồi tháng 3 lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Toure.

Ba vùng hành chính chính ở miền Bắc Mali, gồm Timbuktu, Kidal và Gao, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm Hồi giáo vũ trang, có nhiều đại diện hơn trong chính phủ mới, nắm giữ thêm ba Bộ.

Nội các của Mali lần này còn có thêm đại diện các tổ chức chính trị chính.

Chính phủ mới của Mali có hai nhiệm vụ chính là giành lại khu vực sa mạc rộng lớn ở miền Bắc đang bị các nhóm vũ trang chiếm đóng và tổ chức tổng tuyển cử tự do, minh bạch và công bằng.

Cuộc đảo chính hồi tháng 3 khiến Mali rơi vào tình trạng rối ren, tạo điều kiện cho lực lượng Hồi giáo cực đoan mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc nước này.

Lo ngại khủng hoảng có thể lan ra toàn khu vực, lãnh đạo các nước trên thế giới đã kêu gọi các quốc gia châu Phi triển khai một lực lượng giúp chính phủ Mali giành lại kiểm soát miền Bắc.

Theo tạp chí "Focus" ngày 15/12, ông Mikhail Marguelov, đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin đặc trách hợp tác với châu Phi, tuyên bố Mátxcơva ủng hộ sáng kiến của Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) giải quyết cuộc khủng hoảng ở Mali thông qua việc triển khai Phái bộ quốc tế tại Mali (MISMA)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục