Thừa Thiên-Huế mưa trắng trời, Quảng Bình có nơi bị cô lập hoàn toàn

Ngày 9/10, tại Thừa Thiên-Huế, mưa lớn liên tục kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về khiến khu vực hạ du bị ngập trên diện rộng tập trung ở huyện Phong Điền và Quảng Điền.
Nhiều tuyến đường ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 9/10, tại Thừa Thiên-Huế, mưa lớn liên tục kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về khiến khu vực hạ du bị ngập trên diện rộng tập trung ở huyện Phong Điền và Quảng Điền.

Chính quyền địa phương cùng với người dân đang thực hiện tốt phương án "4 tại chỗ" để ứng phó với mưa lũ.

Hiện nay, nước lũ trên sông Bồ tại huyện Phong Điền chỉ còn cách báo động 3 là 0,4m. Khi nhận được thông báo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hồ thủy điện Hương Điền sẽ xả lũ với lưu lượng lớn từ 1.400 m3/giây-1.800 m3/giây bắt đầu từ 6 giờ ngày 9/10, hệ thống chính quyền cơ sở của Phong Điền đã nhanh chóng vào cuộc để thông tin kịp thời đến người dân thông qua hệ thống loa phát thanh, loa cầm tay cũng như qua tin nhắn, mạng xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình cho biết, từ ngày 7/10 đến nay huyện đã tổ chức di dời 599 hộ với 1.771 khẩu ở các điểm thấp trũng.

Nhiều xã của huyện như Phong Hòa, Phong Bình hiện đang bị cô lập bởi nước lũ, các tuyến đường vào xã đều bị ngập sâu gần 1m, các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế phải sử dụng ghe thuyền hoặc canô.

[Miền Trung sơ tán khẩn cấp 11.000 người, 11 người chết và mất tích]

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, từng thôn, từng xã trên địa bàn huyện Phong Điền đã triển khai phương án "4 tại chỗ" để kịp thời nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời những khó khăn của người dân.

Huyện cũng chỉ đạo các xã bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, các bến đò ngang; nghiêm cấm các chủ đò, phương tiện vận tải không đảm bảo an toàn hoạt động trong khi mưa lũ.

Mưa lũ đã làm ngập trên 1.900 căn nhà của người dân huyện Phong Điền, tập trung ở các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu… với mức ngập cao nhất đến gần 2m. Về sản xuất, hàng chục hecta hoa màu của nông dân bị chìm trong nước lũ.

Tại xã Điền Hương có 2 hồ nuôi ốc hương với diện tích 1.000 m2 thả nuôi được gần 5 tháng nhưng do mưa quá lớn, độ mặn giảm đột ngột nên bị chết hàng loạt với số lượng khoảng 1,5 tấn.

Nước lũ cũng làm hư hỏng, thất thoát 12 lồng cá nuôi tại xã Điền Hòa. Tỉnh lộ 8 đi từ thành phố Huế về huyện Quảng Điền cũng bị ngập sâu trong nước. 

Sáng 9/10, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, lượng mưa trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 100-250mm. Tổng lượng mưa của cả đợt tại tỉnh Thừa Thiên-Huế tính từ 7-9/10 phổ biến 450- 750mm, một số nơi ghi nhận lượng mưa cao như Bạch Mã trên 975 mm, A Lưới hơn 982 mm.

Dự báo tình hình mưa lớn ở Thừa Thiên Huế trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài, đồng thời do triều cường, sóng cao nên khả năng thoát lũ sẽ chậm. Hiện nay, mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đảm bảo an toàn.

Nhiều ngôi nhà tại xã Minh Hóa, Quảng Bình bị ngập đến tận mái. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mưa lớn vẫn diễn ra trên ldiện rộng; nhiều khu vực bị chia cắt, sạt lở đất, có nơi bị cô lập hoàn toàn; nước trên các sông Nhật Lệ, Kiến Giang, Long Đại đã vượt báo động 3.

Thế nhưng, nhờ sự tích cực, chủ động triển khai phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Bình, lực lượng chức năng đã di dời 148 hộ với 515 người cùng tài sản đến nơi an toàn, hàng trăm hộ dân khác cũng đã được lên phương án di dời khi cần thiết.

Tại các khu vực bị chia cắt, nước dâng cao, ngập lụt, lực lượng Công an đã túc trực và điều tiết giao thông; nhiều tuyến đường bị sạt lở hư hỏng đã được cảnh báo, canh giữ.

Chị Mai Thị Thanh, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: "Từ nhiều ngày nay, trên địa bàn liên tục mưa lớn, nước sông dâng cao nhiều nơi gây ngập lụt, người dân phải di dời đến nơi an toàn. Nhờ có lực lượng công an, chính quyền địa phương có mặt thường xuyên, tích cực hỗ trợ, sơ tán người dân kịp thời nên bà con giảm thiểu được thiệt hại".

Thượng tá Đoàn Sinh Hòa - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, nhận định tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", không bị bất ngờ. Tại các khu vực xảy ra lũ lụt như ở huyện Tuyên Hóa, lực lượng dân quân tại chỗ và các lực lượng trên địa bàn đã được huy động để giúp đỡ bà con.

Tại các địa phương thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương lên phương án điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, hàng chục phương tiện xe ôtô, canô đến các địa bàn trọng yếu để giúp nhân dân sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn nhất.

Đại tá Trịnh Thanh Bình - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, trước tình hình mưa lũ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng các kế hoạch phòng chống, huy động lực lượng trực 100% quân số, chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; chỉ đạo các đồn biên phòng cùng lực lượng chính quyền, công an, dân quân túc trực nơi bị chia cắt, nơi có nước lũ chảy xiết để hỗ trợ, giúp đỡ người dân.

Trước đó, chiều 8/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đến kiểm tra và đánh giá cao công tác chủ động phòng chống mưa lũ của chính quyền, người dân địa phương.

Kiểm tra tại "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa, ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá cao công tác chủ động phòng chống mưa lũ của chính quyền, người dân địa phương.

Nhờ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ," Quảng Bình đã giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản. Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Thành đánh giá cao mô hình nhà nổi giúp người dân chống chịu hiệu quả khi nước lũ dâng cao; đồng thời đề nghị chính quyền cơ sở cần tiếp tục rà soát và sẵn sàng các phương án hỗ trợ, cứu trợ cho người dân, nhất là trong tình hình mưa lũ còn kéo dài.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến 9 giờ ngày 9/10, tỉnh Quảng Bình có 12.600 ngôi nhà bị ngập; trong đó huyện Lệ Thủy có trên 7.600 nhà, huyện Quảng Ninh có trên 4.300 nhà. Tại "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa, có 550 ngôi nhà bị ngập sâu tới 2,5 m, người dân phải chuyển sang tránh lũ trên những nhà phao.

Quốc lộ 1A đoạn qua nhiều xã phía Nam tỉnh Quảng Bình bị ngập, nhiều phương tiện không di chuyển được. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó với thiên tai để giảm thấp nhất thiệt hại./.

Quốc lộ 49B qua xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: TTXVN phát)
Tỉnh lộ 4 qua xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhiều tuyến đường tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhiều tuyến đường ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhiều tuyến đường ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhiều nhà dân ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu. (Ảnh: TTXVN phát)
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm ngày 6 đến 8/10/2020, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 100mm, riêng biệt có nơi như huyện Minh Hóa lượng mưa vượt mức 740mm. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Đến 7 giờ sáng 9/10, toàn xã Minh Hóa, Quảng Bình đã có 550 nhà bị ngập, trong đó nhiều nơi ngập sâu gần 3m. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Nhiều ngôi nhà tại xã Minh Hóa, Quảng Bình bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Nhiều ngôi nhà tại xã Minh Hóa, Quảng Bình bị ngập đến tận nóc. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Nhiều ngôi nhà tại xã Minh Hóa, Quảng Bình bị ngập đến tận nóc nhà. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Nhiều ngôi nhà tại xã Minh Hóa, Quảng Bình bị ngập đến tận nóc nhà. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Người dân xã Minh Hóa, Quảng Bình phải di chuyển bằng thuyền. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Nhiều ngôi nhà tại xã Minh Hóa, Quảng Bình bị ngập đến tận mái. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục