Thúc đẩy trách nhiệm xã hội về lao động của các doanh nghiệp điện tử

Ngày 20/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa cho ra mắt Mạng lưới doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam nhằm thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực lao động.
Thúc đẩy trách nhiệm xã hội về lao động của các doanh nghiệp điện tử ảnh 1Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 20/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa cho ra mắt Mạng lưới doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam nhằm thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp này trong lĩnh vực lao động.

[Thúc đẩy cải thiện việc làm trong ngành điện tử tại Việt Nam]

Theo báo cáo, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang từng bước phát triển mạnh trong những năm gần đây. Số lượng các doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam tăng lên đáng kể. Năm 2005 chỉ có 256 doanh nghiệp điện từ thì năm 2014 đã có tới hơn 1.000 doanh nghiệp.

Số lượng việc làm trong ngành công nghiệp điện tử cũng tăng nhanh chóng. Tổng số lao động trong ngành đã tăng gấp hơn 10 lần, từ 46.000 lao động vào năm 2005 lên đến khoảng 500.000 ở thời điểm hiện tại.

Việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong lao động ngành điện tử sẽ không chỉ tạo đà để ngành điện tử Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường mà còn giúp cho người lao động Việt Nam có thêm cơ hội việc làm, chế độ làm việc được cải thiện và được thực hiện đầy đủ các chế độ, quyền lợi của mình.

Mạng lưới doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam là một trong những sáng kiến của VCCI nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra một diễn đàn để các doanh nghiệp đa quốc gia cũng như những nhà cung ứng trong ngành điện tử tại Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và hợp tác cùng có lợi để cùng nhau xây dựng thực hành lao động có trách nhiệm hơn, tạo ra nhiều việc làm và việc làm bền vững hơn cho ngành điện tử Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, việc thực hiện đúng những tiêu chuẩn và pháp luật về trách nhiệm xã hội nói chung và quan hệ lao động nói riêng là một yêu cầu rất quan trọng. Nếu đầu tư vào người lao động và thực hiện đầy đủ những trách nhiệm xã hội về quan hệ lao động thì doanh nghiệp có thể tuyển dụng, đào tạo và phát huy sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm của chính người lao động”.

Theo Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, việc hình thành một mạng lưới doanh nghiệp điện tử thực hiện trách nhiệm xã hội là một hình thức mà VCCI sẽ đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

Tiến sỹ Changhee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam thì cho rằng các công ty đa quốc gia có một ảnh hưởng rất lớn ở bất kỳ đâu họ đầu tư và hoạt động. Vì vậy cách họ quản lý nguồn nhân lực hay cách họ quản lý quan hệ lao động tại nơi làm việc có một ảnh hưởng vô cùng lớn đối với không chỉ nơi làm việc của chính các công ty của họ mà còn thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Bằng việc đưa ra các cam kết ba bên trong việc cải thiện thực tiễn lao động ở cả các công ty đa quốc gia và các công ty trong nước, đối tác ba bên ở Việt Nam đã thực hiện một bước đi rất quan trọng để đảm bảo nơi làm việc có điều kiện làm việc và năng suất tốt hơn cho người lao động và quản lý,” Tiến sỹ Changhee Lee nói.

Trước đó, VCCI đã phối hợp với ILO và Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong việc đưa ra các giải pháp và hành động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp điện tử áp dụng các chính sách lao động, bao gồm các nguyên tắc được quy định trong pháp luật lao động và các Công ước và Khuyến nghị liên quan của ILO nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội và việc làm bền vững./.

Việt Nam cần những doanh nghiệp điện tử thương hiệu quốc gia. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục