Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Nhân hội nghị toàn quốc về quản lý nhà nước về hội, quỹ từ thiện, Bộ Nội vụ đã khai trương trang thông tin về hội, quỹ, các tổ chức phi chính phủ tại địa chỉ http://csdlhoiquy.moha.gov.vn.
Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: nhandan.vn)

Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, chế độ kế toán đối với hội, quỹ thời gian qua hết sức lỏng lẻo, đây là đánh giá của Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức ngày 7/10.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đồng thời phát huy vai trò và tạo điều kiện cho tổ chức, hoạt động của hội, quỹ đảm bảo theo quy định pháp luật và điều lệ, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP (quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội), Nghị định số 93/2019/NĐ-CP (về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện), Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, cung cấp dịch vụ công, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề...

Hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội, quỹ tham gia các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật. Ban hành cơ chế khoán kinh phí hoạt động đối với các hội thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.

Quản lý chặt chẽ việc cấp phép thành lập hội, quỹ

Lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính từ nguồn viện trợ trong và ngoài nước phù hợp với tình hình mới; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, chế độ kế toán đối với hội, quỹ, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nêu rõ “quản lý vấn đề này thời gian qua hết sức lỏng lẻo.”

Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với hội, quỹ; kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc tại chỗ theo quy định và chức năng quản lý.

“Không quản lý sớm, không phát hiện kịp thời, từ việc nhỏ sẽ thành vấn đề lớn. Có những quỹ, hội báo cáo lên cả Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Thủ tướng xử lý vấn đề của hội do lúc xảy ra vụ việc, cơ quan quản lý nhà nước không nắm bắt, xử lý kịp thời. Nhưng một số vụ việc, chúng ta đối thoại, xử lý ngay thì lại xử lý tốt,” Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nói.

Đồng thời, ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát kỹ điều kiện, tiêu chuẩn trước khi cho phép thành lập pháp nhân thuộc hội, quỹ; công nhận các hội, quỹ, không để tình trạng các hội, quỹ xin phép thành lập pháp nhân một cách tràn lan như hiện nay.

Hiện có rất nhiều tổ chức, đặc biệt là tổ chức xã hội nghề nghiệp, thành lập quỹ, quản lý rất lỏng lẻo, có hiện tượng cả nhà cùng trong một quỹ, dòng tiền không giám sát được, sử dụng quỹ để trục lợi.

Thực tế, có những hội, địa phương cấp phép xong lên báo chí rầm rộ, rồi lại thu hồi giấy phép, xử lý kỷ luật người đề xuất thành lập hội. Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhắc lại lưu ý quản lý chặt chẽ việc cấp phép thành lập hội, quỹ; phối hợp xử lý tốt pháp nhân trực thuộc, đặc biệt là cơ quan ngôn luận.

Ông cũng chỉ ra rằng, vừa qua, có những cơ quan ngôn luận hoạt động không theo tôn chỉ, mục đích của hội, không phản ánh những vấn đề chuyên môn, có trường hợp thoái hóa, chống đối, phải xử lý hình sự.

Không được lợi dụng hoạt động của hội, quỹ

Trong thời gian tới, các bộ, ngành cần quan tâm công tác nhân sự của hội, quỹ thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo thời hạn giải quyết theo quy định; kiểm tra công tác hội, quỹ; quan tâm bố trí công chức có năng lực, kinh nghiệm theo dõi công tác hội, quỹ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nội vụ cũng đề nghị các hội, quỹ tuân thủ nguyên tắc hoạt động; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và điều lệ có liên quan đến tổ chức, hoạt động, quyền, nghĩa vụ của hội, quỹ đã được phê duyệt, đảm bảo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích.

[Một số hội, quỹ lợi dụng tổ chức, hoạt động nhằm mục đích tư lợi]

Không được lợi dụng hoạt động của hội, quỹ để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, không vi phạm các quy định về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả quản lý điều hành của Ban lãnh đạo hội, quỹ, trong đó có Ban kiểm tra, Ban kiểm soát của hội, quỹ.

Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện ảnh 2Bà Thang Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi Chính phủ báo cáo tại hội nghị. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Các hội, quỹ cân nhắc về việc thành lập các pháp nhân trực thuộc; quản lý chặt chẽ hoạt động của các pháp nhân trực thuộc; chấn chỉnh việc kết nạp hội viên, không kết nạp tràn lan; công tác lập, lưu trữ danh sách hội viên, sổ sách, chứng từ, biên bản... phải đảm bảo theo quy định.

Theo Thứ trưởng, có những hội kết nạp, cấp thẻ hội viên tràn lan dẫn đến việc hội viên lấy danh nghĩa của hội để đi hoạt động, rất phản cảm, “đề tên cả Bộ Nội vụ ở trên và quỹ hội để đưa xe đi chở hàng lậu.”

Điểm mới về tiêu chuẩn, điều kiện đối với lãnh đạo hội quần chúng

Tại hội nghị, ông Kiều Cao Chung, chuyên gia cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương đã nêu một số điểm mới trong Kết luận số 32-KL/TW của Ban Bí thư quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với lãnh đạo hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Ông Chung cho hay, về tuổi tham gia lãnh đạo hội, đối với nhân sự đã hết tuổi lao động thì tuổi giới thiệu lần đầu hoặc tái cử lãnh đạo hội không quá 65 tuổi. Đối với Chủ tịch hội, trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi, do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với lãnh đạo hội trong độ tuổi lao động, khi đến tuổi nghỉ hưu thì thực hiện theo quy định, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

Kết luận của Ban Bí thư nêu rõ, Chủ tịch hội giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Trường hợp đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp mà chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch hay bố trí công tác khác.

“Đây là nội dung mới, trước đây không có quy định cho nên có những đồng chí cứ làm chủ tịch hội làm miết, có đồng chí làm 3, 4 nhiệm kỳ, có đồng chí làm 5, 6 nhiệm kỳ. Cho nên lần này Ban Bí thư thống nhất, Chủ tịch hội không quá 2 nhiệm kỳ,” ông Chung thông tin thêm.

Đề nghị quy định cụ thể cách thức khoán kinh phí

Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nay chỉ phân bổ cho các hội 70 triệu đồng/biên chế. Từ tổng biên chế được giao để tính ra ngân sách giao cho các hội. Cụ thể, tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động các hội giai đoạn 2017-2022 là 3.404 tỷ đồng; trong đó chi thường xuyên gần 3.260 tỷ đồng; kinh phí ngân sách hỗ trợ các hội có tính chất đặc thù là hơn 3.228 tỷ đồng.

Liên quan đến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề nghị quy định cụ thể cách thức thực hiện việc khoán kinh phí đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế đã được giao.

Việc này thực hiện theo hướng: Ngân sách nhà nước khoán quỹ lương và kinh phí hoạt động thường xuyên của các hội trên cơ sở số biên chế đã được giao và vận dụng định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước lĩnh vực quản lý nhà nước.

Về chế độ tiền lương, phụ cấp công vụ, Bộ Tài chính cho rằng, nên tiếp tục quy định đối với đối tượng là công chức được luân chuyển làm việc tại hội. Đối với những đối tượng khác, giao hội tự xác định căn cứ khả năng tài chính của hội.

Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện ảnh 3Đoàn công tác của Bộ Nội vụ làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu để kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, ngày 16/9/2022. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Về chế độ thù lao (bao gồm cả thù lao cho những người đang hưởng lương hưu làm việc tại hội) thì giao hội tự quyết định, bảo đảm tương quan hợp lý trong nội bộ hội, phù hợp với nguồn tài chính của hội.

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh nêu thực tế, qua đi khảo sát cho thấy có những hội “đặc thù của đặc thù” nên việc quản lý khó từ mức chi trả, đối tượng thụ hưởng... Vì vậy, Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP cần quy định rõ hơn.

Về dự toán nhà nước giao nhiệm vụ thực tế địa phương cho thấy, nếu Chủ tịch tỉnh giao rõ ràng và quan tâm thì dễ dàng thực hiện, nếu không sẽ rất khó, có hướng dẫn nhưng không làm thì kinh phí có nhưng không giao và khó quyết toán được.

Vấn đề khó nhất hiện nay là giao khoán kinh phí. Khi nhà nước giao nhiệm vụ theo nguyên tắc giao khoán thì tới đây cần làm rõ hơn về kinh phí.

Thông tin về kết quả khảo sát hội, quỹ trong cả nước, thực hiện Đề án 103 (Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ), ông Triệu Tài Vinh cho biết, các hội có xu hướng ngày càng lớn lên.

Xu hướng vận động của các tổ chức hội khác nhau, vấn đề phân loại hội cũng khác nhau. Khảo sát ở Đà Nẵng cho thấy, Hội Cựu tù yêu nước có xu hướng ngày càng ít đi, ngược lại, Hội Người cao tuổi ngày càng lớn lên. Ông cho rằng, những hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phải có quy định rõ hơn.

Trên cơ sở khảo sát, Ban Chỉ đạo Đề án sẽ nghiên cứu và báo cáo Ban Bí thư để xem xét quyết định phù hợp về mô hình tổ chức, con người, chế độ, chính sách.

Nhân dịp này, Bộ Nội vụ đã khai trương trang thông tin điện tử về hội, quỹ, các tổ chức phi chính phủ tại địa chỉ http://csdlhoiquy.moha.gov.vn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục