Thu-nộp tác quyền: Việt Nam đi sau nhưng làm ngược

Thu-nộp tác quyền: “Việt Nam đi sau nhưng làm ngược với thế giới”

"Khi đi công tác các nước, tôi mới hiểu vì sao không nơi đâu vấn đề tác quyền lại lộn xộn, nhức nhối như ở Việt Nam. Mình đi sau, không học họ mà lại làm ngược lại. Thu cao nhưng phạt chẳng đến đâu…”
Thu-nộp tác quyền: “Việt Nam đi sau nhưng làm ngược với thế giới” ảnh 1Nhạc sỹ Phó Đức Phương (thứ 3 từ phải qua) và các đại biểu dự Hội nghị CISAC tại Hà Nội hồi tháng 5/2014. (Ảnh: Cẩm Thơ/Vietnam+)

Những ngày này, khi “cuộc chiến” tác quyền giữa VCPMC và đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly đang “nóng” và chưa đi đến hồi kết, Vietnam+ đã liên lạc với Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch thì nhận được câu trả lời từ Thứ trưởng Vương Duy Biên, người được phân công giải quyết vụ việc lần này: “Ngay thời điểm này, Bộ chưa có câu trả lời về hướng giải quyết cũng như giải pháp. Bộ sẽ phải triệu tập các bên nghe giải trình, để hiểu nội tình rồi mới xem xét, quyết định được…”

Trong khi chia sẻ quan điểm với Vietnam+, các nhạc sỹ có uy tín và cả chuyên gia văn hóa đã cởi mở những “kịch bản” giúp thay đổi thực trạng thu bản quyền âm nhạc được xem là đang nhiễu nhương, nhiều bất cập hiện nay.

“Nghệ thuật không bán được, tiền đâu nộp?”

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang áp dụng rất tốt, nghiêm túc việc yêu cầu các đơn vị tổ chức phải có giấy phép về quyền tác giả trước khi cấp phép biểu diễn. Tuy nhiên, ở Hà Nội lại không làm được như vậy vì vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Ông Phương dẫn chứng về trường hợp đêm nhạc của danh ca Chế Linh hồi tháng 11/2011 tại Hà Nội vẫn được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp giấy phép và diễn ra đúng ngày dù trước đó VCPMC “tố” là chưa trả tiền bản quyền. Nhưng khi đơn vị tổ chức đó quay vào để biểu diễn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã không được Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch cấp giấy phép, nên buộc phải hủy sô.

Tuy nhiên, trao đổi với Vietnam+ nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh cho rằng: “Ngay cả khi ràng buộc đơn vị tổ chức phải thực hiện nộp tiền bản quyền cho VCPMC trước khi cấp phép biểu diễn theo như ý kiến phía ông Phương, thì câu chuyện thu-nộp tác quyền vẫn tồn tại nhiều bất cập. Bởi việc cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn là thủ tục hành chính, nhưng việc đóng tiền bản quyền lại phụ thuộc vào doanh thu biểu diễn.

Đã kinh doanh âm nhạc, việc đóng tiền tác quyền là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu đóng tiền tác quyền trước khi cấp phép biểu diễn nhưng vì sự cố nào đó, sự kiện không được diễn ra như đã định thì phải giải quyết thế nào?”

Bên cạnh đó, ông Ninh cũng cho rằng “nếu quy chiếu theo mức phí đóng tác quyền đã được quy định theo cách thu của VCPMC hiện nay cũng chưa hợp lý. “Vì có những đêm nhạc doanh thu rất thấp, thậm chí không bán được vé. Vì vậy, sẽ hợp lý hơn nếu tiền tác quyền được thu sau sự kiện kết thúc. Mức thu được tính theo phần trăm doanh thu bán vé. Khi đã thống nhất một mức thu hợp lý theo luật quy định, với những đêm diễn đạt doanh thu biểu diễn cao chắc chắn nhà tổ chức sẽ chẳng nề hà. Ngược lại nếu đêm diễn không bán được vé, thậm chí phải hủy diễn thì VCPMC cũng chẳng phải hậm hực. Chúng ta phải nhìn vào sự thật, nghệ thuật sẽ không phát triển nếu cho không, biếu xén nhưng nghệ thuật không bán được thì lấy tiền đâu ra mà trả tác quyền!”

Thu-nộp tác quyền: “Việt Nam đi sau nhưng làm ngược với thế giới” ảnh 2Danh ca Khánh Ly hát cùng những khách mời trong chương trình. (Ảnh: BTC)

Trước câu hỏi làm sao để tránh tình trạng đơn vị tổ chức, ca sỹ “xù” tiền tác quyền sau khi biểu diễn, nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh nói “Không đóng tiền trước nhưng trong thủ tục cấp phép biểu diễn phải có sự cam kết và đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền tác quyền giữa nhà tổ chức và VCPMC. Nếu bên đơn vị tổ chức không thực hiện nộp tác quyền, VCPMC có quyền khởi kiện ra tòa.

Hồ sơ đó, VCPMC báo lên Cục Nghệ thuật Biểu diễn bằng văn bản, để làm căn cứ pháp lý khi Cục xem xét các điều kiện hoàn tất thủ tục cấp phép biểu diễn lần sau.”

Thực tế, khi trả lời báo chí về sự “chồng chéo” giữa Cục Nghệ thuật Biểu diễn và VCPMC, ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng cấp phép Cục nghệ thuật biểu diễn - khẳng định “Mỗi đơn vị có một chức năng. Chúng tôi không thể thay công việc của các cơ quan khác. Trong quy định cấp phép, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị nghiêm chỉnh thực hiện quyền tác giả liên quan. Nhưng luật không yêu cầu đơn vị tổ chức phải có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền trong hồ sơ xin cấp phép thì chúng tôi không bắt họ làm điều đó được. Nếu người tổ chức biểu diễn làm sai quy định về bản quyền thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

“Ở ngoài thu nhẹ-phạt nặng. Ta thì ngược lại…”

Cách tính phí hiện nay của VCPMC được xây dựng dựa theo Nghị định 61 của Chính phủ. Nghị định này hiện vẫn còn hiệu lực và cho phép các thành phần sáng tạo (nhạc sĩ, biên kịch, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, họa sĩ) được hưởng 15 - 21% doanh thu trong mỗi hợp đồng biểu diễn.

Vì chỉ là một trong các thành phần sáng tạo (không kể biên đạo, phối khí, họa sĩ…) nên VCPMC đặt ra mức thu 5% với mỗi chương trình biểu diễn x 60% số ghế (nếu biểu diễn ngoài trời) hoặc 75% số ghế (biểu diễn trong nhà).

Trước “lùm xùm” tiền tác quyền đêm nhạc Khánh Ly giữa đơn vị tổ chức và VCPMC, một nghệ sỹ lão thành từng kinh qua các trọng trách cao nhất về quản lý ngành văn hóa cho rằng: “Cách tính phí hiện nay của Trung tâm ông Phương là không hợp lý. Cách tính phí bản quyền cũng không thể một mình VCPMC có thể hoạch định và tự quyết định được. Các bên liên quan phải ngồi lại ở cuộc họp cấp cao do Bộ Văn hóa chủ trì từ đó cùng thảo luận, bàn bạc để đưa ra những điều khoản rõ ràng, minh bạch.

Khi đi công tác các nước, tôi mới hiểu vì sao không nơi đâu vấn đề tác quyền lại lộn xộn, nhức nhối như ở Việt Nam. Ở nước ngoài người ta thu phí bản quyền rất dễ chịu nhưng mức phạt lại cực kỳ nặng với những ai vi phạm. Mình đi sau, không học họ mà lại làm ngược lại. Thu cao nhưng phạt chẳng đến đâu…”

Lại nhớ tại Hội nghị thường niên của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội nhà soạn nhạc và lời với 227 tổ chức quản lý tập thể tại 120 quốc gia) Châu Á-Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng Năm vừa qua, ông Scott Morriss- Chủ tịch Ủy ban CISAC châu Á-Thái Bình Dương cũng chỉ ra rằng: “Trên thế giới, chỉ có tác giả, chủ sở hữu tác phẩm mới được quyền cấp phép sử dụng tác phẩm. Nếu cá nhân nào “trốn” trả tiền tác quyền thì bị phạt rất nặng, thậm chí bị khởi kiện ra tòa.

Ở Việt Nam, phía tổ chức biểu diễn không cần có văn bản chứng minh sự cho phép sử dụng tác phẩm của chủ sở hữu, không bị ràng buộc phải trả tiền tác quyền vẫn được cấp giấy phép biểu diễn. Với cách làm như vậy, ở Việt Nam chính các cơ quan quản lý Nhà nước đã “thay mặt” luôn cho tác giả.”

Tương tự, lĩnh vực biểu diễn thị trường kinh doanh âm nhạc trực tuyến  thời gian qua cũng sôi động không kém với hàng loạt câu chuyện xâm phạm bản quyền âm nhạc. Mà đình đám nhất, sau vụ Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam gửi công văn tới thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Bản quyền tác giả thì ba website âm nhạc trực tuyến hàng đầu Việt Nam là nhaccuatui.com chỉ gỡ bỏ 266 trong số 2.178 bài vi phạm; nhacso.net gỡ bỏ 2.044 trong số 2.066 bài vi phạm; và nhacvui.vn mới chỉ gỡ 10 trong số 1.252 bài vi phạm.

Và chỉ cần để ý riêng số lượng bài vi phạm trên các website cũng đã đủ thấy bức tranh bản quyền hiện nay "loạn" đến cỡ nào. Đó là còn chưa kể tới những câu chuyện đạo lời, đạo nhạc, hay vấn nạn nhạc rác vừa bị phản ánh gần đây.

Thực tế cho thấy, có những vụ kiện, chi phí để theo kiện thậm chí còn lớn hơn cả tiền thắng kiện. Trong khi, so với mức xử phạt vi phạm bản quyền có thể lên đến hàng triệu USD như trên thế giới thì mức phạt của Việt Nam không đủ sức răn đe, thức tỉnh.

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, để nâng cao hiệu quả bảo vệ bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, việc xử lý thật mạnh những vi phạm vẫn là chưa đủ. Bởi gốc rễ của vấn đề bảo vệ quyền tác giả chính là ý thức coi trọng của cả xã hội đối với những sản phẩm trí tuệ của các tác giả.

Như chia sẻ của nhạc sỹ Quốc Trung, người đề ra ý tưởng “Nghe nhạc có ý thức” để chống lại nạn “xài chùa” thì “để thay đổi thói quen, tư duy thưởng thức nghệ thuật của công chúng, cũng như để thức tỉnh lương tâm, lòng tự trọng và trách nhiệm của người sử dụng nghệ thuật Việt Nam hiện nay là cuộc chiến dài và đơn độc…”

Chiến lược của người Hàn

Tại Hội nghị thường niên của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội nhà soạn nhạc và lời với 227 tổ chức quản lý tập thể tại 120 quốc gia) Châu Á-Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Hà Nội trung tuần tháng Năm vừa qua có hai kết luận nổi bật để thay cho lời kết. Đó là “Việt Nam mới làm tốt ở mảng thu bản quyền Karaoke,” theo đánh giá từ Giám đốc CISAC Châu Á- Thái Bình Dương.

Trong lời phát biểu của ông Phó Đức Phương tại cuộc họp ngày hôm đó: “với mức tăng trưởng như hiện nay thì 30 năm nữa thu bản quyền Việt Nam mới đuổi kịp Malaysia bây giờ” để phản ánh “thành tích” bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam sau 14 năm với sự ra đời, hoạt động của VCPMC.

Thu-nộp tác quyền: “Việt Nam đi sau nhưng làm ngược với thế giới” ảnh 3Với công chúng yêu nhạc, họ ái mộ Khánh Ly chính bởi chất liêu trai trong giọng hát của bà... (Ảnh: BTC)

Trao đổi với báo chí ở hành lang hội nghị khi đó, Giám đốc CISAC Châu Á- Thái Bình Dương, ông Scott Morriss đã lý giải: “Việt Nam thiếu sự đồng bộ về pháp luật. Kẽ hở lớn nhất còn thiếu sự cam kết về mặt quyền lực giữa cấp quản lý và và cơ quan thực thi.

Trả tiền tác quyền là nghĩa vụ pháp lý bất cứ nhà tổ chức nào cũng phải làm. Giấy phép từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn là giấy phép tổ chức sự kiện. Nhưng muốn biểu diễn, nhà tổ chức phải có trao đổi, cam kết thực hiện nghĩa vụ tác quyền với cá nhân hoặc cơ quan đại diện cho nhạc sĩ để sử dụng tác phẩm của họ trong sự kiện của mình. Họ phải bị xử lý đúng quy định pháp luật nếu không hoàn thành nghĩa vụ tác quyền.

Hiện nay ở Châu Á, có nhiều mô hình bảo vệ quyền tác giả đang hoạt động tốt như Hàn Quốc mà Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng. Làm tốt việc bảo về quyền tác giả, nên Hàn Quốc có nền âm nhạc rất phát triển.”

Chỉ tính riêng con số lên tới 600 triệu đồng mà phía VCPMC thu tiền bản quyền từ chương trình ca nhạc Hàn Quốc tại một sân vận động nước ta cũng đã cho thấy hấp lực của làn sóng Kpop với giới trẻ Việt Nam hiện nay.

Nhận thức được sức hấp dẫn của K-pop trong đời sống thưởng thức âm nhạc của công chúng Việt Nam, người Hàn Quốc sau nhiều năm tặng phim truyền hình miễn phí, giờ đây họ đã mở Văn phòng đại diện Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc tại Việt Nam.

Kết thúc phiên họp ngày hôm đó, sau phát biểu đầy thân tình của ông Phương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Hồ Anh Tuấn bày tỏ quan điểm: “Nhiều năm qua, tôi rất ghi nhận những nỗ lực của VCPMC, đặc biệt sự năng nổ, hết mình của ông Phương trong công việc.

Mặc dù nhiều lúc tôi không thích ông ấy vì gây áp lực cho tôi nhiều quá! Ông ấy cũng thường xuyên “phá rào”… Vấn đề tác quyền, theo tôi được biết ở nước nào cũng vậy, đều rất khó khăn như leo đường dốc khúc khuỷu mà chưa nhìn thấy đỉnh…”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục