Ngày 11/8, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD để thúc đẩy các biện pháp chống biến đổi khí hậu và triển khai một số chương trình trợ cấp xã hội mới.
Trước đó một ngày, Thượng viện Mỹ đã “bật đèn xanh” cho thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD sau nhiều tháng trì hoãn.
Đây được xem là một chiến thắng đáng kể cho Tổng thống Joe Biden và là bước đầu tiên trong ưu tiên lập pháp hàng đầu của ông.
Tuy nhiên, dự luật này đang đối mặt với nhiều khó khăn tại Hạ viện khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố chưa thể thúc đẩy dự luật cho đến khi Thượng viện thông qua gói chi tiêu 3.500 tỷ USD.
Các nghị sỹ Mỹ đã gọi dự thảo ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD là “kế hoạch chi tiêu xã hội mang lại hiệu quả nhất” kể từ những năm 30 của thế kỷ trước đến nay.
[Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá nghìn tỷ USD]
Giới phân tích dự báo gói chi tiêu khổng lồ này (tương đương với quy mô nền kinh tế Đức lớn nhất châu Âu năm 2020) phản ánh tầm nhìn dài hạn của Tổng thống Biden - sẽ là nguồn cơn cho các cuộc tranh cãi căng thẳng tại hai viện.
Dự thảo ngân sách này bao gồm cấp ngân sách cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu, đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng (trong đó có những danh mục không nằm trong dự luật đầu tư hạ tầng cơ sở vừa được Thượng viện thông qua), trao quy chế công dân Mỹ cho hàng triệu lao động nhập cư và miễn phí hai năm học tại các trường đại học công lập.
Các Thượng nghị sỹ có thời gian đến ngày 15/9 tới để trình dự thảo sửa đổi.
Quốc hội Mỹ phải phê chuẩn các dự luật chi tiêu cuối cùng trước ngày 30/9 nhằm ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ, hoặc phải gia hạn ngân sách tài khóa hiện nay sang năm tài khóa mới trong khi vẫn tiếp tục thảo luận về các vấn đề này./.