Chia sẻ những thông tin về công nghệ mới của Thụy Điển trong lĩnh vực tìm kiếm cứu hộ và phòng chống lụt bão là nội dung chính của Hội thảo Ứng phó thảm họa thiên tai do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây cũng là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển (11/1/1969-11/1/2014).
Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đã và đang phải đối phó với những thảm họa thiên tai có tác động lớn tới con người, doanh nghiệp và môi trường.
Năm 2014, Việt Nam và Thụy Điển cùng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tình bạn thân thiết giữa hai nước. Một trong những mối quan tâm chính của Thụy Điển là hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực bảo vệ và phòng chống thảm họa trong tương lai.
Hội thảo là bước khởi đầu hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp Thụy Điển đã chia sẻ nhiều công nghệ mới phục vụ tìm kiếm cứu nạn và phòng chống lụt bão như máy bay giám sát hàng hải, hệ thống bệnh viện dã chiến, hệ thống cảnh báo hóa học-sinh học-phóng xạ, xe cứu hộ vượt địa hình.
Về các sản phẩm phục vụ dân sinh trong vùng thiên tai cũng khá đa dạng với giải pháp nhà vệ sinh không mùi, không cần bảo trì, không tiêu thụ năng lượng và sản phẩm cuối cùng là phân bón hữu cơ, hệ thống nhà dựng sẵn cực nhanh có kích thước theo nhu cầu, hệ thống nhà trú ẩn tạm thời.
Trung tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu, Phó đô đốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết về lĩnh vực phòng chống thiên tai, hiện nay Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn luôn đặt chế độ trực 24/24 giờ với sự phối hợp hiệp đồng giữa nhiều ngành, nhiều đơn vị.
Việt Nam cũng cần có thêm các hoạt động chủ động nâng cao kỹ năng, bổ sung trang thiết bị chuyên dùng cho tìm kiếm, cứu nạn; sự giới thiệu của nước bạn Thụy Điển về lĩnh vực này là rất đáng quan tâm./.