Thụy Sĩ cân nhắc định hình lại quan hệ với Liên minh châu Âu

Chính phủ Thụy Sĩ chỉ muốn thực hiện 5 trong số 120 thỏa thuận song phương với Liên minh châu Âu (EU) để định hình khuôn khổ quan hệ tương lai giữa hai bên.
Thụy Sĩ cân nhắc định hình lại quan hệ với Liên minh châu Âu ảnh 1(Nguồn: dw)

Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ dẫn một số nguồn tin tại chỗ cho biết chính phủ nước này chỉ muốn thực hiện 5 trong số 120 thỏa thuận song phương với Liên minh châu Âu (EU) để định hình khuôn khổ quan hệ tương lai giữa hai bên.

Một số lĩnh vực mà Thụy Sĩ muốn duy trì trong khuôn khổ quan hệ về thể chế với EU trong tương lai đó là: đi lại tự do, các sản phẩm nông nghiệp, vận tải xuyên biên giới và hàng không dân dụng.

Cơ quan liên bang phụ trách các vấn đề kinh tế Thụy Sĩ (SECO) là đơn vị có trách nhiệm lựa chọn danh sách các thỏa thuận mà Thụy Sĩ muốn có trong quan hệ với EU.

Thỏa thuận khung về thiết lập thể chế giữa hai bên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và để hình thành thỏa thuận này, hai bên đã đưa ra danh sách 120 hiệp ước song phương cần thực thi.

[Thụy Sĩ cho phép khởi động sáng kiến hủy bỏ Hiệp ước Schengen]

EU mong muốn Thụy Sĩ hội nhập hơn nữa vào thị trường chung của liên minh này, chịu sự điều chỉnh của luật pháp và các quy định của EU.

Quan hệ giữa Thụy Sĩ - EU gần đây trở nên căng thẳng sau khi EU quyết định hạn chế Thụy Sĩ tiếp cận thị trường chứng khoán của mình. Trước đó, EU đã liệt Thụy Sĩ vào danh sách "các thiên đường trốn thuế."

Tình hình có thể xấu thêm nếu sáng kiến hủy bỏ Hiệp ước Schengen - thỏa thuận tự do đi lại với EU - do đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SPP) cánh hữu đưa ra được thông qua.

Ngày 6/1 vừa qua, Chính phủ Thụy Sĩ đã chính thức cho phép SPP bắt đầu chiến dịch thu thập chữ ký cho sáng kiến này. Theo luật Thụy Sĩ, nếu SPP thu được đủ 100.000 chữ ký trong vòng 18 tháng (kể từ ngày 16/1 tới), chính phủ liên bang sẽ phải tổ chức trưng cầu ý dân toàn quốc về sáng kiến kể trên. Nếu được quá bán số người dân bỏ phiếu đồng tình, sáng kiến sẽ trở thành luật.

Chủ tịch SPP Albert Rosti cho rằng vấn đề nhập cư phải được kiểm soát bởi chính các quốc gia. Dư luận cho rằng việc chấm dứt các thỏa thuận song phương với EU sẽ là "tự sát" đối với một quốc gia Thụy Sĩ nhỏ bé vốn phụ thuộc lớn vào thị trường chung châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục